Năm 2023: Bộ Công Thương triển khai tích cực đề án tái cơ cấu ngành Công Thương
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành phấn đấu tăng trên 9-9,5%
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí nguyên liệu đầu tăng, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao. Một số nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu nhu cầu thế giới suy giảm... đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp, xuất khẩuvà thu hẹp đầu tư cho sản xuất.
“Một số địa phương trọng điểm công nghiệp chế biến, chế tạo (TP. Hồ Chí Minh, Long An..) chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước khi xảy ra dịch bệnh”- Bộ Công Thương nhìn nhận.
Sản xuất công nghiệp tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Bên cạnh đó, việc nối lại thị trưởng nước ngoài, chuỗi cung ứng đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường như trước khi dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu chung của cả nước.
Bộ Công Thương cũng đánh giá năng lực sản xuất, khả năng về thị trường tiêu thụ năm 2022 nhóm hàng công nghiệp chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, đơn cử như đối với sản xuất hàng dệt và may mặc của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến khó lường đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, vấn đề liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng, căng thẳng quân sự giữa Nga - Ukraine... tác động không nhỏ tới nhu cầu tiêu dùng và mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng trong đó có hàng dệt và may mặc.
Với những yếu tố như phân tích ở trên, dự kiến tăng trưởng một số sản phẩm chính của ngành năm 2022, cụ thể, đối với vải dệt từ sợi tự nhiên: sản lượng sản xuất dự kiến cả năm 2022 đạt khoảng 752 triệu m, tăng 9% so với năm 2021.
“Đối với quần áo mặc thường, sản lượng sản xuất dự kiến cả năm 2022 khoảng 5995 triệu cái, tăng khoảng 28% so với năm 2021. Trong đó, 6 tháng đầu năm đạt 2997 triệu cái, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước”- báo cáo Bộ Công Thương nêu cụ thể.
Đối với ngành da giầy, sản lượng sản xuất dự kiến cả năm 2022 khoảng 329 triệu đôi, tăng khoảng 4% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 144,7 triệu đôi, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành ô tô, dự kiến sản lượng sản xuất ô tô năm 2022 đạt khoảng 330 nghìn chiếc, tăng 12% so với năm 2021. Trong đó, 6 tháng đầu năm đạt 135 nghìn chiếc; tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, với ngành điện tử, sản lượng tivi sản xuất trong nước tháng 7/2022 đạt 754,7 nghìn chiếc, giảm 6,5% so với tháng trước còn so với tháng 7/2021 tăng 33,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 7/2022 tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 8,6% so với tháng 7/2021. Dự kiến cả năm 2022, sản lượng tỉ vi đạt 13.510 nghìn chiếc, tăng 21% so với năm 2021.
Căn cứ tình hình và khả năng tăng trưởng của các ngành phân tích ở trên, dự báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả năm 2022 đạt được chi tiêu tăng trưởng khoảng 8,8-9%. Trên cơ sở diễn biến tình hình trong nước và thế giới, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp cả năm phấn đấu tăng trên 9-9,5%, vượt kế hoạch tăng trưởng của ngành.
Tăng tốc giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp
Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương. Trên cơ sở đó phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.
Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Bộ Công Thương cũng lưu ý, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng các chuỗi cung ứng mới.
Phân tích kỹ hơn, Bộ Công Thương cho rằng, cần điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
“Tăng cường áp dụng thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp”- Bộ Công Thương chỉ ra.
Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đao tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất.
Triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo các định hướng ưu tiên đã được xác lập: Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, thép, thiết bị điện...; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử... công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản; công nghiệp khai khoảng theo hướng chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững.
Đáng chú ý, phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn phục vụ sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác ứng dụng chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất công nghiệp.
Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh trong những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên. |