Quy hoạch tỉnh Nam Định: Tập trung phát triển 5 hành lang kinh tế động lực Năm 2024, Nam Định phấn đấu đạt 3,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu Nam Định hút thêm dự án dệt may trăm triệu USD? |
Vượt khó bằng tinh thần… “3 quyết”
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Nam Định, thực hiện nhiệm vụ năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng gặp nhiều khó khăn… Ban chấp hành, Thường trực Tỉnh ủy đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, quyết làm, cá thể hóa trách nhiệm từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Năm 2023 là được xem là năm thành công, tạo dấu ấn đậm nét và ấn tượng, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Về phát triển kinh tế, trong năm 2023, Nam Định đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, các chỉ tiêu cơ bản phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó: Tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19% (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 6 cả nước). Chỉ số sản xuất công nghiệp tang 14,58%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 17%; tổng thu ngân sách đạt 10.400 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XX đề ra.
Trong năm 2023, Nam Định đã khởi công và triển khai xây dựng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nghĩa Hưng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, cụm công nghiệp Yên Bằng…
Năm 2023, Nam Định đã triển khai và khởi công nhiều khu công nghiệp để thúc đẩy thu hút đầu tư (Ảnh minh họa) |
Cùng với đó, các ngành sản xuất thương mại, dịch vụ phát triển toàn diện, đáp ứng tốt các nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Trong 3 năm 2021 – 2023, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bản lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 181.828 tỷ đồng, tăng bình quân 13,4%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng bình quân 12,8%...
Về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2023, Nam Định đã thu hút được nhiều dự án trọng điểm như: 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư là 98.000 tỷ đồng, dự án của Tập đoàn Quanta với tổng mức đầu tư 120 triệu USD, ký kết thỏa thuận phát triển dự án đầu tư với Tập đoàn Sunrise Material…
Cũng trong năm 2023, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 -2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp khu vực ven biển theo quy hoạch; thu hút các dự án đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân để phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế biển, tạo động lực kinh tế - xã hội.
Từ năm 2021 đến nay, Nam Định đã có 24 dự án được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn khoảng 100.124 tỷ đồng và gần 46,7 triệu USD đầu tư vào 3 huyện. Đến nay, kinh tế biển đang dần trở thành động lực phát triển của tỉnh. Các địa phương vùng biển luôn đi đầu và đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh…
Ngoài ra, đến nay tỉnh Nam Định đã có 189/204 xã, thị trấn (chiếm 92,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 329 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên.
Tại hội nghị, đánh giá về những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho biết: Năm 2023, Ban Chấp hành tỉnh Nam Định xác định là năm bản lề để phát triển kinh tế. Trong đó, Nam Định đã tập trung thu hút đầu tư, nhất là về cơ sở hạ tầng nhằm rút ngắn khoảng cách từ Nam Định đến với các trung tâm kinh tế. Chính từ đẩy mạnh phát triển hạ tầng nên các nhà đầu tư nước ngoài đã về với Nam Định ngày càng nhiều…
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc thông tin kết quả phát triển kinh tế, xã hội tại hội nghị |
Trong thu hút đầu tư, Nam Định cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính với phương châm không dàn trải, thu hút theo thị trường với các loại hình doanh nghiệp công nghệ cao. Nam Định cũng tìm ra cách đi riêng, đi sau nhưng phải đi nhanh bằng việc phát triển chuyển đổi số. Điều này được thể hiện bằng việc Nam Định đứng thứ 10 cả nước về chuyển đổi số.
Năm 2024 là năm bứt tốc và đột phá
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024, Nam Định xác định là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bứt phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 đề ra. Trong đó, mục tiêu chung là giữ vững ổn định và bảo đảm tốc độ tang trưởng khá của nền kinh tế. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực các dự án trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao, góp phần phát triển xanh, bền vững, tăng thu ngân sách của tỉnh, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong năm 2024, Nam Định đặt mục tiêu tổng sản phẩm GRDP tăng từ 9,5 đến 10,5%, trong đó cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt 84,5%, chỉ số công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên, giá trị xuất khẩu đạt từ 3.300 triệu USD trở lên, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18% trở lên, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 12.030 tỷ đồng.
Một góc thành phố Nam Định - Ảnh: Báo Nam Định |
Để đạt mục tiêu này, năm 2024, Nam Định đặt ra các nhiệm vụ cụ thể, theo đó, sớm hoàn chỉnh thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tiếp tục triển khai các quy hoạch vùng, quy hoạch liên vùng, quy hoạch đô thị các thị trấn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…
Cùng với đó, Nam Định sẽ tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tiếp tục kêu gọi đầu tư và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư thứ cấp.
Nam Định sẽ tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư để sớm hoàn thành các dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, khai thác có hiệu quả, bền vững các loại hình và sản phẩm du lịch là thế mạnh của tỉnh gắn với phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, Nam Định cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa các loại hình xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động mời gọi, làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư (nhất là các nhà đầu tư lớn), các cơ quan, hiệp hội trong và ngoài nước để kêu gọi, xúc tiến đầu tư, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, các dự án, lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, khẳng định thành công của nhà đầu tư góp phần vào thành công của tỉnh.