CôngThương - 1. Bất ngờ lên xe Văn Minh
Cách đây 3 năm, một lần được tin mẹ đau phải về quê gấp, tôi đến bến xe Nước Ngầm thì đã gần 12 giờ trưa. Nghe nói tuyến Hà Nội Vinh mới có xe giường nằm Văn Minh, tôi bỏ hết các tay cò chèo kéo, đi thẳng vào phòng vé. Cô bán vé xinh đẹp tươi cười, nói giọng Nghệ: “Chú gặp may rồi, chuyến 12 giờ ni chỉ còn 1 vé, vé B1 chú ạ”. Khi đưa vé cho tôi, cô giải thích: “Đây là vé dự phòng cho khách đặc biệt của giám đốc, chúng cháu chỉ được bán trước khi xe chạy 30 phút”.
Tôi đi ra xe. Chiếc xe Văn Minh màu vàng bóng đã nổ máy, và những người khách cuối cùng đang lên xe. Cậu nhân viên trẻ mặc áo vàng (đồng phục) mời tôi gửi hành lý vào cốp xe và trao ticket như gửi hành lý máy bay. Khi tôi bước lên xe, một cô nhân viên đưa tôi cái túi nilon để bỏ dày dép và hường dẫn vào giường nằm. Giường B1 ở sau lưng ghế chú tài. Trên giường có một tấm chăn mỏng cho hành khách không chịu được lạnh của máy điều hòa. Cuối giường có 1 chai nước suối, 1 chiếc bánh mì ngọt và 1 chiếc khăn ướt. Khi tôi vừa nằm xuống giường thì cô nhân viên nói qua micro lời chào hành khách, giới thiệu toilet chung trên xe và báo đã đến giờ xe rời bến.
Tôi nhìn đồng hồ, đúng 12 giờ. Màn hình tivi xuất hiện một chương trình ca nhạc khiến mọi người chú ý. Xem được một lát, tôi thiu thiu vào giấc ngủ. Một giấc ngủ êm ru cho đến khi xe dừng lại ở Thanh Hóa 15 phút cho mọi người xuống mua quà bánh, hút thuốc hoặc uống nước, và nhà xe thay đổi tay lái. Chỉ hơn 5 giờ đồng hồ, tôi đã về đến Diễn Châu. Cậu nhân viên xuống xe trước, lấy hành lý cho tôi, rồi lại lên xe ngay, thật nhanh nhẹn…
Đón khách
Thế là tôi đã có một giấc ngủ ngon trên đường về quê. Cứ như là vừa ngủ dậy ở nhà mình. Từ đó, tôi thường về quê và trở lại Hà Nội bằng xe Văn Minh đến nỗi thuộc cả số điện thoại của phòng bán vé Hà Nội và đại lý ở Diễn Châu.
2. Gặp người giám đốc trẻ
GĐ Nguyễn Đàm Văn và nhân viên bán vé
Vừa rồi đi xe Văn Minh vào Vinh, ngồi uống rượu với anh bạn giám đốc sở, tôi khen hãng xe Văn Minh của Nghệ An phục vụ rất văn minh, chứng tỏ họ rất chú ý đến văn hóa. Anh giám đốc văn hóa như gặp được người đồng cảm. Anh bảo có lần đi ra Hà Nội họp, anh đã đi về bằng xe Văn Minh, thấy rẻ và tiện lợi lắm. Rồi anh liền bấm máy điện thoại gọi giám đốc hãng xe. Một lát sau, thấy một anh chàng chừng 30 tuổi, nhỏ con và nhanh nhẹn xuất hiện. Đó chính là Nguyễn Đàm Văn người sáng lập hãng xe này. Văn xởi lởi trò chuyện với một nụ cười khiêm tốn mà tự tin. Qua câu chuyện, tôi biết anh quê Yên Thành, vùng đồng chiêm trũng nghèo khó một thời. Bố mạ anh sinh được 10 người con, anh là con thứ 9. Tuổi nhỏ anh phải đi chăn vịt, được bọn nhỏ gọi là “Văn vịt”. Khi đàn vịt bỗng nhiên chết trụi, anh theo cha đạp xe đến thị trấn mua kem que về làng bán, được đổi tên thành “Văn kem”.
Nhà nghèo quá, học xong THPT anh quyết định đi xuất khẩu lao động ở Đức để đổi đời. Sang Đức vừa lao động vừa bán thuốc lá, rồi học lái xe taxi kiếm sống. Có được lưng vốn, anh quyết định về quê xây khách sạn Thân Hòa (tên cha mẹ) ở Cửa Lò và lấy vợ. Làm khách sạn kết hợp với du lịch lữ hành cũng không thấy “phát”, nhân một lần không hợp đồng được với xe giường nằm Hoàng Long để chở khách, anh nẩy quyết định mua luôn chiếc xe giường nằm làm du lịch. Thấy được, anh bàn với cậu em út là Nguyễn Đàm Minh đang ở bên Đức hùn vốn, mua thêm xe và thành lập công ty Du lịch Văn Minh. Từ chiếc xe giường nằm “ngẫu hứng” ấy, chỉ 4 năm sau, Văn Minh đã có 18 xe giường nằm và 5 xe con trung chuyển đưa đón khách đến bến và về tận nhà (khu vực gần Vinh). Số cán bộ công nhân viên của công ty cũng đã lên đến trên 180 người.
Nghe chuyện Văn kể, tôi cứ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
- Nghe nói Văn có cô vợ đẹp lắm – Anh bạn tôi hỏi.
Văn lại cười, bảo cô ấy học Sư phạm Vinh ra, cũng bình thường thôi ạ.
3. Văn Minh phải văn minh
Theo Văn cho biết thì ngay từ khi lấy tên hai anh em đặt tên cho công ty, anh đã xác định mọi hoạt động phải xứng với hai chữ “văn minh”. Vé xe được bán trực tiếp tại các điểm bán vé và đưa đến tận nhà nếu khách yêu cầu. Có vé ưu tiên giảm giá cho thương binh, người già cả và học sinh. Các tài xế của công ty phải thực hiện nghiêm quy định xuất bến, về bến đúng giờ, và chạy xe đúng tốc độ quy định dù chạy ngày hay chạy đêm. Xe chỉ đón những hành khách đã mua vé trước và theo điểm hẹn định trước. Xe cũng không chở những bệnh nhân nặng ảnh hưởng đến hành khách và hành trình. Văn kể, có lần người ta đã mua giúp vé cho bệnh nhân nặng, khi lên xe mới phát hiện được, công ty đã quyết định thuê riêng xe taxi cho bệnh nhân và người nhà cùng đi.
Năm 2009, Văn Minh đã mở thêm chi nhánh cho tuyến Hà Tĩnh-Hà Nội. Lại một cuộc cạnh tranh mới không đơn giản, nhưng Văn Minh đã vượt qua bằng chính thái độ và kế hoạch phục vụ của mình. Dù các tuyến này có nhiều xe giường nằm của các hãng khác, thì xe Văn Minh vẫn bảo đảm đủ khách trước khi xuất bến.
Tôi hỏi chuyện Nguyễn Anh Tuấn, một người bạn trẻ viết văn xuôi, là bạn thuở nhỏ của Văn, Tuấn vui vẻ nói:
- Khi hoạt động kinh doanh bắt đầu đi vào ổn định, Nguyễn Đàm Văn chú tâm làm từ thiện anh ạ. Xuất thân từ gia đình nông dân, nhọc nhằn bươn chải trên bước đường lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, Văn rất nhạy cảm trước thiệt thòi, mất mát của những số phận quanh mình. Cách làm từ thiện của Văn lặng lẽ, không phô trương ồn ào. Anh và cộng sự thường xuyên đọc báo, tìm những cảnh đời bất hạnh và tìm đến để sẻ chia. Các hoạt động cộng đồng trên địa bàn thì Văn và cộng sự đều tham gia nhiệt tình, hiện nay doanh nghiệp của anh đang nhận nuôi trọn đời một bà mẹ già cô đơn không nơi nương tựa.
Văn cũng nói thêm:
- Em là người dễ xúc động nên nhìn những cảnh ngộ khó khăn, nhiều lúc chảy nước mắt. Mình lặng lẽ giúp theo sức của mình thôi. Nhưng điều quan trọng hơn là làm sao tạo điều kiện tốt cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật trưởng thành. Em đang ấp ủ dự án thành lập một trung tâm nhận nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật, và một trường lái xe theo chất lượng quốc tế, chất lượng mà Văn Minh đang phấn đấu. Có như thế, mới góp phần cho xã hội văn minh đươc.
Nghe Văn nói chân thành, tôi thấy tin những gì anh đang nghĩ, đang làm và sẽ làm. Đó là tinh thần vì mọi người của một công ty còn non trẻ. Vâng, dù chỉ là một giấc ngủ ngon của hành khách dọc hành trình ra Bắc vào Trung… .