Nhiều trẻ em bản địa vây lấy khách du lịch.
CôngThương - Ấn tượng không tốt
Trên các nẻo đường tại trung tâm thị trấn Sa Pa, nhất là đoạn “phố Tây” tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng, đâu đâu cũng thấy những người bán hàng trong trang phục dân tộc, sau lưng đeo gùi và trên tay luôn cầm sẵn những chiếc dây đeo tay thổ cẩm, hoặc những chiếc vòng bạc. Ngay tại cửa các khách sạn trong thị trấn luôn có vài người túc trực.
Khi thấy có du khách, họ vây lấy và mời chào. Nếu du khách tỏ ý không mua thì cả một nhóm người đi theo và mời chào liên hồi, hết người này đến người khác. Ông bà William (Canađa) cho biết, ông bà đã bị “vây quanh” khi đi chợ Sa Pa, và dù đã ra hiệu không mua nhưng những người này vẫn tiếp tục đi theo. “Khi chụp ảnh, tôi có mời những người bán hàng đứng cùng chụp và họ đồng ý, nhưng sau khi chụp xong thì họ đòi tiền”, ông William bày tỏ.
Không chỉ có khách nước ngoài bị làm phiền, mà ngay cả với những khách trong nước cũng rất bức xúc. Chị Hồng Điệp (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Khi ra khỏi khách sạn thường bị các em nhỏ dân tộc bám rất lâu và buộc lòng phải mua bằng được. Tôi và gia đình phải mua rất nhiều vòng bạc. Khi không mua thì buộc phải cho tiền vì không muốn bị làm phiền. Họ đi theo đến cửa khách sạn hoặc tận nhà hàng, chỉ đến khi chủ quán bảo ra ngoài mới thôi”.
Còn chị Linh Chi, Giám đốc Công ty Sắc Việt nhận xét: Trong 1 năm trở lại đây Sa Pa đã bị thương mại hóa khá nhiều. Tình trạng du khách bị trẻ em và người dân tộc ở đây đeo bám và bán hàng gây phiền nhiễu khá phổ biến. “Chúng tôi thấy đây là một vấn đề rất nghiêm trọng để lại hình ảnh không đẹp trong lòng du khách. Chính quyền địa phương cần sớm can thiệp, giải quyết”, chị Linh Chi khẳng định.
Giải pháp tổng thể
Qua tìm hiểu, hầu hết những người bán hàng rong tại đây đều là những người dân sống ở các bản quanh khu vực thị trấn, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập chính của họ là đi bán hàng rong. Nếu muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này thì việc đầu tiên là cần có biện pháp để họ có nơi bán hàng ổn định. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai cho biết: “Đây là vấn đề nan giải và chưa dẹp được. Cấp quản lý địa phương đặt câu hỏi: Vì sao họ chèo kéo khách? Có một thực tế là đồng bào làm ra những mặt hàng thổ cẩm rất đẹp, như ở Tả Phìn. Nhưng khi hướng dẫn viên dẫn khách tới bản lại chỉ để khách xem thôi, về đến thị trấn thì mới tư vấn khách mua để ăn phần trăm từ các shop bán hàng. Đồng bào không bán được hàng đương nhiên phải chèo kéo khách. Hơn nữa, họ là chủ thể du lịch, nhưng các khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch lại thu nhiều lợi nhuận. Lợi nhuận không phân phối đều, không có chính sách điều tiết sẽ dẫn đến chèo kéo.
Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề này phải khôi phục các làng nghề và biến đó thành sản phẩm. Chúng tôi đã làm thí điểm ở bản Cát Cát, người dân ở đây không phải mang hàng đi đâu cả. Họ bán ở nhà, có cả khung dệt để khách quan sát, tìm hiểu. Du khách rất thích. Nhưng đấy chỉ là thí điểm. Muốn đại trà, chính quyền cơ sở phải có chính sách mở rộng mô hình này. Do đó, vấn đề là phải đầu tư cho người dân bản địa được hưởng lợi ngay từ bản làng, hoặc tại thị trấn phải quy hoạch một điểm chỉ đồng bào dân tộc kinh doanh mặt hàng thổ cẩm. Tôi rất mong có một địa điểm, để đồng bào vừa se lanh dệt vải, vừa nhuộm tràm, bán sản phẩm. Nhưng có một thực tế, đất bây giờ, các doanh nghiệp cứ chỗ nào đẹp là xí luôn phần và không chịu đầu tư”.
Muốn giải quyết vấn nạn đeo bám hàng rong phải có những biện pháp kiên quyết, tổng thể. Trong đó cấp chính quyền cơ sở vào cuộc, đưa quy định vào hương ước. Người dân đi bán là trái với hương ước của họ. Bên cạnh đó, cần để cho họ một chỗ bán ngay tại làng hoặc một điểm nào đó, ông Sơn cho biết thêm.