Theo đó, mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thành biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái). Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn. Ban hành mới ít nhất 01 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông. Đảm bảo đủ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Lớp dạy tiếng Thái cho học sinh tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên |
Mục tiêu đến năm 2030: Ban hành mới ít nhất 02 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông. Ban hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc trung học đối với những tiếng dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn; sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với những tiếng dân tộc thiểu số mới ban hành chương trình. Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học đối với các tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn. Phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình: Thứ nhất, phát triển chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số: Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái); sách giáo khoa, tài liệu dạy học bậc trung học đối với những tiếng dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn. Xây dựng và ban hành mới chương trình môn học đối với tiếng dân tộc thiểu số có đủ điều kiện để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông; biên soạn các bộ sách giáo khoa, tài liệu dạy học bậc tiểu học đối với các tiếng dân tộc thiểu số mới ban hành chương trình.
Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng dân tộc thiểu số: Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển chương trình, mở ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, giáo viên liên. Đẩy mạnh đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số đạt chuẩn trình độ theo quy định. Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về kiến thức dân tộc và quản lý dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Nâng cấp trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục phổ thông |
Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng dân tộc thiểu số: Nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ sở dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kho học liệu và dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng dân tộc thiểu số: Rà soát, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về dạy học tiếng dân tộc thiểu số; nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với dạy học tiếng dân tộc thiểu số; về quyền lợi và trách nhiệm gìn giữ, phát triển ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số.