CôngThương - Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhà vệ sinh tại các điểm du lịch như danh lam thắng cảnh tồn tại nhiều bất cập, vừa thiếu, vừa không đảm bảo vệ sinh do sự quá tải của du khách. Bên cạch đó, sự thiếu ý thức của du khách càng làm cho những công trình phụ này trở thành vấn đề đối với việc giải quyết các nhu cầu cá nhân.
Dọc các quốc lộ chính đi các điểm du lịch nổi tiếng trong nước, các trạm dừng chân đã có nhà vệ sinh nhưng hầu hết chưa thể đạt chuẩn về vệ sinh. Để khử bớt mùi hôi, hầu hết nhà vệ sinh ở các điểm dừng đều dùng băng phiến bỏ trực tiếp vào khu vực vệ sinh. Nhiều nơi, việc lau dọn không được thường xuyên, tạo cho du khách cảm giác không muốn sử dụng.
Khảo sát tại các điểm du lịch nổi tiếng như phố cổ Hội An (Quảng Nam), Hồ Gươm (Hà Nội) lượng khách du lịch quốc tế tập trung rất đông, tuy nhiên nhà vệ sinh công cộng mặc dù có người thu tiền, dọn vệ sinh nhưng khách sử dụng chiếm phần lớn là khách nội địa chứ khách nước ngoài vẫn ngại sử dụng. Chị Kim Dung, Phó giám đốc Kênh du lịch Việt - cho biết, mới đây, công ty chị có một vị khách thiếu niên đến từ Úc đi tour Quảng Ninh. Khi có nhu cầu đi vệ sinh, thấy nhà vệ sinh bẩn quá, em cố chịu chứ nhất định không sử dụng.
Nhìn sang các nước láng giềng, chị Kim Dung cho biết, mỗi lần đưa khách sang Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Camphuchia, Malaixia nhà vệ sinh công cộng của họ rất sạch, luôn có người túc trực dọn dẹp. Tại Lào, vào nhà vệ sinh công cộng hay nhà hàng, đâu cũng sạch sẽ. Riêng Malaixia, để thu hút khách du lịch, đã tổ chức chiến dịch làm sạch nhà vệ sinh, thậm chí còn đưa chương trình dạy cách dọn nhà vệ sinh vào một số trường học… Còn ở Việt Nam, thực tế, chỉ cần nhìn nhà vệ sinh công cộng đến người Việt còn ngại sử dụng chứ đừng nói đến khách du lịch quốc tế.
Thiếu nhà vệ sinh, nhà vệ sinh không đạt chuẩn tại các điểm du đang là vấn đề được ngành du lịch đặc biệt quan tâm. Năm 2012, Tổng cục Du lịch đưa ra khẩu hiệu “Ở đâu có du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn” trong chương trình kích cầu du lịch, nhưng khẩu hiệu này vẫn chưa được thực hiện trong thực tế, ngành du lịch vẫn loay hoay, lúng túng với bài toán nhà vệ sinh đạt chuẩn do nhiều vướng mắc về khái niệm chuẩn của nhà vệ sinh du lịch, về kinh phí và sự thiếu quyết liệt của chính các địa phương có du lịch phát triển. Và chính sự chậm chạp, thiếu quyết tâm đã làm giảm sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thừa nhận, hiện nay tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn cả nước, công trình vệ sinh công cộng chưa đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, vệ sinh, thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Vì thế, để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nhà vệ sinh không đạt chuẩn, hướng tới xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở VHTT&DL phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và các địa phương khẩn trương lập kế hoạch, đôn đốc các đơn vị quản lý các điểm du lịch triển khai xây dựng hoặc chỉnh trang nâng cấp các công trình vệ sinh công cộng hiện có đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”.
Với cách làm này, Bộ VHTT&DL hy vọng, hết năm 2012 có ít nhất 50% số điểm du lịch trên địa bàn có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và coi đây là hoạt động có tính đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong năm, phấn đấu trong 2 năm 2013-2014 toàn bộ các điểm du lịch trên địa bàn có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tổng Cục du lịch vừa có quyết định ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch. Quyết định cũng quy định rõ các tiêu chuẩn đối với nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch phải đáp ứng điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn nhà tiêu dội nước tự hoại tại QCVN 01:2011/BYT của Bộ Y tế; ngoài ra còn có các tiêu chí khác như có biển báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh, vị trí thuận lợi, đầy đủ trang thiết bị tiện nghi, thông thoáng, sạch sẽ… Các nhà vệ sinh này sẽ hoạt động 24/24h. Việc xây dựng tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn sẽ đảm bảo chất lượng vệ sinh, môi trường tại các điểm đến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả của hoạt động du lịch, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. |