Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Trưởng ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương - nhấn mạnh, “cuộc chiến” chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả cao nếu thiếu sự chủ động hợp tác từ phía các doanh nghiệp và sự tham gia của toàn xã hội.
Hiện nay, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ và đang được triển khai vào thực tiễn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 2.530 vụ vi phạm về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm 59,7 tỷ đồng. Ông Andrew Holt - Bí thư thứ nhất về kinh tế và chính trị Đại sứ quán Anh tại Việt Nam - khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng góp phần làm nên thành công cho doanh nghiệp bởi nó gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Thực thi hiệu quả pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ sẽ góp phần duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu hàng hoá của mình, là người hiểu rõ hàng hoá của mình hơn ai hết nên có vai trò quan trọng trong đấu tranh với hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoặc không quan tâm bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Khi sản phẩm bị làm giả, một số doanh nghiệp còn thờ ơ, khi được yêu cầu hợp tác còn không cung cấp thông tin về hàng hóa… cho lực lượng chức năng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần phải chủ động hợp tác với quản lý thị trường để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu của mình trước, đồng thời chủ động hợp tác cung cấp thông tin, phối hợp, hỗ trợ lực lượng thực thi đấu tranh với hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Lực lượng quản lý thị trường cần cung cấp, chia sẻ thông tin pháp luật về chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; đồng thời, minh bạch hoá các quy trình, thủ tục xử lý các hành vi làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả công tác điều tra, xử lý vi phạm…