Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT” do Cục QLTT, Bộ Công Thương tổ chức |
Chín tháng đầu năm, 15.521 vụ việc vi phạm
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian qua, công tác phối hợp trong kiểm tra, bắt giữ xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giữa các lực lượng thực thi đã có những chuyển biến khá tích cực và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
Số liệu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, 9 tháng đầu năm, các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương đã phát hiện bắt giữ và xử lý 15.521 vụ việc vi phạm, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; Thu nộp ngân sách, xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu, truy thu thuế… ước đạt trên 11.468 tỷ đồng, tăng 30,9% so với năm 2015. Những mặt hàng chính thường xuyên bị vi phạm trong thời gian qua là: Thực phẩm (mỳ chính, bánh kẹo, bia rượu…); Vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi); Dược phẩm (đông dược, tân dược); Vật liệu xây dựng, mặt hàng phụ tùng ôtô, xe máy, xe đạp điện; Hàng hóa tiêu dùng, đồ điện gia dụng… Vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền SHTT, giả mạo nhãn hiệu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, hiệu quả công tác vẫn chưa thực sự đạt như mong muốn so với tiềm năng của các lực lượng thực thi (công an, QLTT, hải quan, bộ đội biên phòng…)
Các đại biểu đại diện các các cơ quan thực thi và cơ quan liên quan đã thảo luận và đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng hiện nay.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương phát biểu tại buổi tọa đàm |
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương: Nguyên nhân chính của tình trạng này là do cơ chế và thủ tục phối hợp giữa các cơ quan thực thi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến công tác thực thi quyền SHTT. Cụ thể, chế tài xử lý vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, xử lý dân sự ít; Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa có quy định thống nhất. Hơn nữa hiện các chế tài xử lý hàng giả, xâm phạm quyền SHTT còn được quy định ở rất nhiều văn bản khác nhau gây khó khăn cho công tác thực thi. Trong khi đó, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi chủ yếu là những vụ việc riêng lẻ, việc chia sẻ thông tin còn rất hạn chế. Một bộ phận các doanh nghiệp, chủ thể bị xâm phạm cũng không nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, không hợp tác tích cực với cơ quan chức năng.
Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cũng chia sẻ, công tác truy bắt tội phạm về sản xuất vận chuyển buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT đòi hỏi phải hết sức bí mật, khẩn trương, tránh “đánh rắn động cỏ”, vì thế cũng hạn chế phần nào trong công tác trao đổi thông tin, đặc biệt là các cơ quan không cùng chuyên ngành.
Thiết lập phối hợp đồng bộ cả chiều ngang và chiều dọc
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia |
“Với một đường biên giới trải dài, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, hoạt động xâm phạm SHTT sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường và khó kiểm soát” – đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khẳng định.
Thực trạng này đòi hỏi các lực lượng phải tăng cường hơn nữa hoạt động phối hợp toàn diện trên các mặt: Nghiên cứu, để xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện xây dựng chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến thực thi quyền SHTT nhằm phù hợp với thực tế trong nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; Trong đó cơ chế phối hợp phải được thiết lập đồng bộ ở cả trung ương và địa phương, theo cả chiều dọc và chiều ngang.
Đồng thời, thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm quyền SHTT ở một số địa bàn, khu vực theo kế hoạch; kết hợp kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất, kiểm tra các loại mặt hàng có những biểu hiện gây ảnh hưởng đến sự mất ổn định thị trường.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT, chia sẻ các báo cáo hàng năm của lực lượng liên quan đến thực thi quyền SHTT; Tổ chức họp tổng kết, hội thảo đánh giá thường xuyên và định kỳ về công tác thực thi quyền SHTT để rút kinh nghiệm và bàn các giải pháp trong các giai đoạn tiếp theo; Song song với đó, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan thực thi quyền SHTT cũng sẽ tích cực được tiến hành với sự phối hợp của các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...; Tăng cường phối hợp tuyên truyền pháp luật, những tác hại của việc sản xuất buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền, nâng cao nhận thức của chính công chúng về SHTT.