Nâng cao vai trò trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Chương trình tập huấn về BĐKH do Công đoàn Công Tthương Việt Nam phối hợp Viện Friedrich Ebert tổ chức |
Từ cuối năm 2013, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phối hợp với các đối tác: Công đoàn Mỏ - Hóa chất – Năng lượng Đức (IG BCE), Viện Friedrich Ebert (FES) xây dựng và triển khai Chương trình “Vai trò của Công đoàn bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Chương trình đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2013-2016: Tìm hiểu thực trạng về vấn đề môi trường hiện nay tại các doanh nghiệp (DN) trong ngành Công Thương, trong đó chú trọng đến DN sản xuất, sử dụng hoá chất có nguy cơ ô nhiễm cao; tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động tại DN, thái độ của người lao động, người sử dụng với vấn đề bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường tại DN; tập hợp khuyến nghị với các cơ quan chức năng các vấn đề bảo vệ môi trường tại DN và cộng đồng xã hội…
Qua 3 năm triển khai, đã có gần 30 lớp tập huấn được tổ chức tại các DN trong ngành Công Thương với sự hỗ trợ của chương trình. Nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý, lãnh đạo DN và cán bộ công đoàn, nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH được tổ chức lôi cuốn sự tham gia của tổ chức công đoàn, DN và người lao động. Chương trình đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của người lao động, đoàn viên và cả người sử dụng lao động về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình “Vai trò của công đoàn bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2013 - 2016 vừa diễn ra, nhiều DN, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã đề nghị nhân rộng, triển khai kinh nghiệm của Công đoàn Công Thương Việt Nam đến các cấp công đoàn, đến các đơn vị, DN ở Việt Nam.
Tháng 11, Hội nghị về BĐKH của Liên hiệp quốc 2016, (COP 22) sẽ được tổ chức ở Marakech, Moroco. COP 22 sẽ tập trung thảo luận, thống nhất giải quyết những mục tiêu, nội dung đã đặt ra ở COP 21 như: Hạn chế được mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5OC, huy động nguồn lực tài chính, điều chỉnh Nghị định thư Kyoto, xây dựng kế hoạch quốc gia nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu, mở rộng hệ thống dự báo với sự tham gia của nhiều nước, chuyển giao công nghệ, rào cản sinh thái với lĩnh vực thương mại…
Chuẩn bị tham gia COP 22, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã cử cán bộ nghiên cứu thông tin, tài liệu và tham dự một số hoạt động về biến đổi khí hậu tổ chức tại Việt Nam; tham gia các diễn đàn quốc tế về BĐKH nhằm chia sẻ thông tin, đề xuất hành động thích ứng và giảm thiểu tác hại của BĐKH, thúc đẩy kết nối và chia sẻ nguồn lực với các tổ chức chính trị - xã hội trên thế giới.
Theo lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, trong năm 2017, chương trình “Vai trò của Công đoàn bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH” cần ưu tiên các nội dung: Tổ chức các lớp tập huấn cho công đoàn và an toàn viên ở DN; soạn thảo và in ấn tài liệu tập huấn về ô nhiễm môi trường và BĐKH… |