Nhiều nơi ở ĐBSCL đã bắt đầu thu hoạch vụ đông xuân, đây là vụ lúa lớn nhất trong năm.
Ông Phong nói:
Năm 2011 sẽ rất khó dự báo chính xác do thời tiết diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dự báo chung là thế giới sẽ giảm 3% sản lượng lương thực trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng thêm 3% và giao dịch mua bán tăng 5%. Những tháng đầu năm nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng, nên chắc chắn giá sẽ tăng. Tất nhiên sẽ khó tăng giá đột biến hoặc giảm thấp hơn hiện nay.
Dự báo sản lượng lương thực trong nước năm 2011 khoảng 40 triệu tấn lúa (tương đương 25 triệu tấn gạo). Trong số này có thể xuất khẩu được 5,8-6 triệu tấn gạo. Nếu cộng với số còn trong kho của doanh nghiệp hiện nay khoảng 600.000 tấn thì năm 2011 VN hoàn toàn có khả năng xuất khẩu 6,6 triệu tấn.
Tuy nhiên, VFA chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn. Tùy tình hình sản xuất lúa trong năm sẽ có điều hành phù hợp. Nếu trúng mùa liên tiếp, sản lượng lúa tăng nhiều chúng ta sẽ xuất khẩu nhiều hơn kế hoạch giống như năm 2010.
Hiện một số nơi đã bắt đầu thu hoạch vụ đông xuân sớm. Điều mà người nông dân quan tâm nhất là giá lúa tới đây sẽ ra sao và có bán được hay không?
- Chắc chắn năm 2011 điều hành của VFA và các doanh nghiệp (DN) thành viên trong việc tiêu thụ lúa trong dân sẽ khác. Rút kinh nghiệm các năm trước, ngay từ đầu vụ đông xuân 2011 VFA đã chỉ đạo các DN thành viên phải tiêu thụ hết lúa trong dân. Khi có tình trạng lúa tiêu thụ chậm sẽ triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo mà không cần chờ Chính phủ chỉ đạo. Với giá xuất khẩu 600.000 tấn đã ký cho hai tháng đầu năm nay, tôi khẳng định giá lúa vụ đông xuân sẽ không dưới 5.000 đồng/kg. Do đó nếu chưa thật cần tiền, nông dân có thể trữ lại chờ giá tốt thì bán.
Hơn 1,4 triệu ha lúa đông xuân
TS Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện các tỉnh phía Nam đã xuống giống được 1,4 triệu ha lúa đông xuân. Đến ngày 10-1 sẽ cơ bản gieo sạ dứt điểm 150.000ha còn lại. Do các địa phương thực hiện đúng lịch thời vụ của Bộ NN&PTNT tập trung gieo sạ trước 31-12-2010 nên đã tránh được hạn, mặn cuối vụ. Hiện nay có một số nơi lúa bị bệnh đạo ôn, nhiễm rầy nâu nhưng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. “Với tình hình này gần như chắc chắn vụ đông xuân 2010-2011 sẽ tiếp tục thắng lợi” - ông Dư nói.
Ông nói giá lúa vụ đông xuân không dưới 5.000 đồng/kg, nhưng căn cứ tiêu chuẩn nào, mức giá đó nông dân thực hưởng hay phải qua thương lái?
- Hiện giá lúa thường đã phơi khô đang giao dịch trên thị trường các tỉnh ĐBSCL từ 6.000-6.200 đồng/kg. Với giá gạo xuất khẩu những tháng đầu năm 2011 trên 500 USD/tấn và chất lượng lúa đông xuân thường rất tốt, nên chắc chắn giá lúa khô sẽ trên 5.000 đồng/kg. Với giá thành sản xuất ước tính 3.000-3.200 đồng/kg thì đảm bảo nông dân sẽ lãi 40% theo chỉ đạo của Chính phủ.
Người nông dân luôn có tâm lý cho rằng giá lúa bán cho hàng xáo thường thấp và cho rằng bị ép giá. DN chỉ có thể chủ động mua khoảng 25-30% lúa trong dân chứ không mua hết được. Năm nay các DN xuất khẩu đã tổ chức liên kết lực lượng hàng xáo trong việc thu mua lúa của dân. DN đưa ra giá thu mua cho từng loại lúa, từng loại chất lượng và thông báo rộng rãi. Hàng xáo đi thu mua về phơi sấy, bán lại cho DN với mức chênh lệch khoảng 200-300 đồng/kg chứ không nhiều hơn. Tôi cho rằng mức chênh lệch này là hợp lý vì chi phí vận chuyển, phơi sấy khá cao. Tình trạng ép giá nông dân cũng sẽ được khắc phục từ vụ này.
Còn kế hoạch tiêu thụ lúa vụ hè thu như thế nào? Hai năm qua đều xảy ra tình trạng tồn đọng lúa hè thu do DN chê lúa chất lượng thấp?
- VFA sẽ chủ động mua tạm trữ thêm 1 triệu tấn gạo vụ này nếu có hiện tượng tồn đọng để ngăn chặn tình trạng giá lúa xuống thấp và không ai mua như các năm trước. Hiện các DN thành viên đã có kho trữ lúa gạo khối lượng khoảng 3,8 triệu tấn nên có thể giải quyết được chuyện lúa tồn đọng trong dân.
Tuy nhiên, do vụ hè thu thu hoạch gặp mưa nhiều, chất lượng lúa gạo bị giảm nên VFA sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo lịch thời vụ sao cho không thu hoạch tập trung trong tháng 8-2011 vì tháng này mưa dầm. Tốt nhất là chuyển sang vụ thu đông thu hoạch tháng 9 đến tháng 11 sẽ ít mưa, chất lượng lúa gạo sẽ cao hơn.
Kế hoạch ký hợp đồng bao tiêu lúa của nông dân đã được triển khai ra sao, thưa ông?
- Đến thời điểm này các DN thành viên của VFA đã ký hợp đồng bao tiêu lúa đông xuân ở bảy tỉnh ĐBSCL với hơn 10.000ha. Nhiều nhất là An Giang, Tiền Giang mỗi tỉnh hơn 1.000ha. Các tỉnh Cà Mau, Bến Tre... thì chưa ký được do chưa có các tổ chức đại diện (hợp tác xã, tổ hợp tác) và chưa có vùng đất phù hợp sản xuất lúa chất lượng cao quy mô lớn.
Giá bao tiêu được ký theo nguyên tắc: giá thị trường cộng thêm 150-200 đồng/kg đảm bảo cho nông dân có lãi. Sau vụ đông xuân sẽ sơ kết rút kinh nghiệm để ký tiếp hợp đồng bao tiêu lúa vụ hè thu và thu đông. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có các DN kinh doanh lương thực tham gia hoạt động liên kết với nông dân. Nếu các DN sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp với giá thấp nữa thì chắc chắn nông dân trồng lúa sẽ được lãi cao, được tiêu thụ hết.
Ông Phạm Văn Dư (cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT): Không lo thiếu gạo
Mục tiêu của điều hành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trước tiên là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tức là phải đảm bảo đủ lượng gạo cho tiêu dùng trong nước, phần dư ra mới dành cho xuất khẩu. Lượng lúa làm ra một phần nông dân đã trữ lại để tiêu dùng gia đình, một phần được các công ty phân phối nội địa mua để bán trong nước, còn lại là lượng dư ra mới xuất khẩu. Do vậy, không thể xảy ra tình trạng thiếu gạo trong nước.
Không có gì phải lo lắng khi nhu cầu gạo thế giới đang ở mức cao. Đơn hàng nhiều cùng với những tuyên bố của Hiệp hội Lương thực về việc mua hết lúa với giá cao sẽ đảm bảo cho người trồng lúa có mức lợi nhuận cao trong vụ tới.
Đa số công ty xuất khẩu gạo lớn đều là các công ty lương thực, bên cạnh chức năng xuất khẩu họ còn có chức năng phân phối gạo tại thị trường nội địa. Do đó, lượng gạo mà họ mua trữ trong kho một phần để giao cho các đơn hàng đã ký nhưng cũng có phần để cung ứng cho thị trường nội địa. Thời gian qua, các tổng công ty lương thực đều chỉ đạo cho các thành viên sẵn sàng đưa gạo từ kho ra thị trường trong nước trong trường hợp xảy ra sốt gạo.
Ông Huỳnh Công Thành (giám đốc Công ty TNHH Lương thực TP.HCM - Foocosa): Đảm bảo bình ổn giá gạo
Ngoài chức năng xuất khẩu, Foocosa có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp lương thực trên địa bàn thành phố và tham gia chương trình bình ổn giá. Với 2.000 tấn gạo trong hệ thống 47 cửa hàng bán lẻ ở các quận huyện tại TP.HCM, chúng tôi đang bán gạo bình ổn với giá rẻ hơn thị trường. Cụ thể, có ba loại gạo tẻ mà các cửa hàng Foocomart (thuộc Foocosa) đang bán với giá 7.500 đồng/kg, 7.800 đồng/kg và 8.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá gạo mà người dân mua ở các cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, tại kho của công ty trên địa bàn TP.HCM chúng tôi luôn có 5.000 tấn gạo dự trữ để sẵn sàng cung ứng nếu xảy ra thiếu hụt.