Bình Định thu hút các dự án năng lượng tái tạo Phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn Bình Thuận: 2/10 đơn vị có vi phạm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo |
Công suất năng lượng tái tạo tăng thêm đạt hơn 50%, tương đương xấp xỉ 510 GW so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng cao và nhanh nhất trong hai thập niên vừa qua.
Năm 2023 cũng là năm thứ 22 liên tiếp công suất và sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu đạt tăng trưởng, trong đó tại châu Âu, Hoa Kỳ, Brazil và Trung Quốc có mức tăng cao.
Năm qua, Trung Quốc phát triển điện mặt trời tương đương công suất và sản lượng của toàn thế giới năm 2022. Trong khi đó, điện gió nước này cũng tăng trưởng mạnh.
Trên phạm vi toàn cầu, điện mặt trời năm 2023 chiếm tỷ trọng 3/4 tổng công suất tăng thêm của tất cả các nguồn năng lượng tái tạo.
Nhằm đạt được các mục tiêu tại Hội nghị Thương đỉnh COP 28 là tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã khuyến nghị Chính phủ các nước hỗ trợ, tập trung triển khai một số nhóm giải pháp chính, trong đó có những ưu tiên được nêu trong văn bản thỏa thuận giữa 198 Chính phủ các nước tham dự Hội nghị, bao gồm các mục tiêu như: phấn đấu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng từ nay đến năm 2030. Tăng gấp ba công suất hiện nay đến năm 2030 có nghĩa rằng thế giới sẽ đạt khoảng 11000 GW, xấp xỉ mức công suất cần thiết nhằm đưa phát thải ròng về 0, theo kịch bản dự kiến của IEA.
Với các chính sách và điều kiện thị trường hiện nay, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu được dự báo có thể đạt 7300 GW vào năm 2028, nghĩa là tương đương khoảng 2,5 lần so với mức công suất hiện có, chưa đủ hoàn thành mục tiêu tăng gấp ba lần công suất như đã đề ra.
Chính phủ các nước có thể lấp đầy khoảng trống nhằm đạt được 11 000 GW vào năm 2030 bằng cách nỗ lực vượt qua những thách thức và triển khai khẩn trương các chính sách hiện có.
Những thách thức đối với các nước hiện nay thuộc 4 nhóm và có sự khác biệt giữa các quốc gia: 1).Thiếu ổn định chính sách và chậm phản ứng chính sách trước những thay đổi của kinh tế vĩ mô; 2).Đầu tư chưa đủ vào hạ tầng lưới điện làm cản trở sự phát triển của năng lượng tái tạo; 3).Rào cản về thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép và tạo sự đồng thuận về mặt xã hội; 4).Thiếu nguồn vốn, tài chính tại các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu giải quyết được những thách thức nêu trên, lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu có thể tăng trưởng 21% so với hiện nay, theo đó thế giới có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng công suất điện năng lượng tái tạo lên gấp ba kịp thời hạn mục tiêu đề ra.
Vấn đề là ở chỗ để đạt mục tiêu chung còn phụ thuộc vào từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên thực tế, Nhóm các quốc gia G20 hiện đang sở hữu tới 90% công suất điện tái tạo toàn cầu. Tích cực triển khai các chính sách hiện có tại Nhóm các nước G20 có thể góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung của năng lượng tái tạo toàn cầu, nhưng để hoàn thành được mục tiêu còn cần phải tăng công suất mới ở các quốc gia khác, bao gồm cả những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ngoài Nhóm G20.
Trong số ấy, cho đến nay một số nước vẫn chưa đề ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và các chính sách hỗ trợ có liên quan.
Có thể khẳng định rằng biểu đồ năng lượng của thế giới từ nay đến năm 2028, 2030 sẽ trở nên đa dạng hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, công suất và sản lượng năng lượng tái tạo sẽ tăng lên và đạt con số cao hơn những gì toàn cầu có được kể từ khi nhà máy năng lượng tái tạo đầu tiên được xây dựng cách đây hơn 100 năm cho đến nay. Theo ước tính, trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2028, thế giới sẽ có thêm khoảng 3700 GW công suất điện năng lượng tái tạo với khoảng 130 quốc gia có chính sách hỗ trợ phát triển đối với lĩnh vực này.
Điện mặt trời và điện gió sẽ chiếm tỷ trọng lên tới 95% tổng nguồn năng lượng tái tạo. Thế giới được hưởng nguồn phát chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2024 điện gió và điện mặt trời toàn cầu sẽ đạt sản lượng cao hơn so với thủy điện, năm 2025 sản lượng điện năng lượng tái tạo có thể vượt qua điện than để trở thành nguồn phát lớn nhất của thế giới. Hơn nữa, điện gió và điện mặt trời riêng biệt được dự báo sẽ vượt qua sản lượng điện hạt nhân lần lượt vào năm 2025 và 2026.
Năm 2028, các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến có tỷ trọng hơn 42% nguồn phát toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng vai trò lớn, góp phần vào sự phát triển chung của lĩnh vực năng lượng tái tạo thế giới, trong khi Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ và Brazil sẽ tiếp tục là những điểm sáng tăng trưởng điện mặt trời và điện gió ngoài khơi.