Báo cáo của WTO về Chile liên quan đến giai đoạn này nêu bật, sau thời kỳ tăng trưởng ấn tượng trong các năm từ 2010-2012, năm 2013 và 2014, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, đặc biệt là năm 2014,GDP chỉ tăng 1,9%.
Báo cáo thừa nhận, Chính phủ Chile đã có các phản ứng khá nhanh trước tình hình kinh tế đang đi xuống và đã ban hành và thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng như giảm tỉ lệ lãi suất và cho phép giảm giá đồng nội tệ.
Tuy nhiên, tăng trưởng về năng suất lao động ở quốc gia này vẫn còn khiêm tốn, mặc dù thời gian gần đây đã cho thấy dấu hiệu của sự cải thiện, nhưng do đầu tư của các công ty vào nghiên cứu và phát triển thấp, cộng thêm thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Đây là hai nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Chile.
Các nhà kinh tế của WTO đều có chung nhận xét, quốc gia Andes này đang có các bước đi quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh như các chính sách mở cửa thị trường, hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư và thực thi luật cạnh tranh trên quy mô lớn, cũng như Chính phủ đang tập trung các nổ lực để cải thiện hệ thống giáo dục.
Báo cáo nhận mạnh, nét đặc trưng của thương mại Chile giai đoạn 2009-2014 là nhập khẩu tăng nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu, các tỷ lệ tăng trưởng tương ứng lần lượt là 69% và 38,2%.
Mặc dù giá đồng trong thời gian qua rất cao, nhưng thị phần nhóm hàng khoáng sản trong tổng xuất khẩu của quốc gia đã giảm xuống 56.8% từ mức trên 60% của giai đoạn trước. Tuy vậy, xuất khẩu của Chile vẫn tiếp tục phụ thuộc vàò nhóm hàng này, đặc biệt là xuất khẩu đồng hiện vẫn chiếm 50,1% trong tổng xuất khẩu của cả nước.
Năm 2014, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Chile với thị phần 24,6%, tiếp đến là EU với 14,5%, Hoa Kỳ xếp thứ 3 với 12,2% và Nhật Bản là 10%.
Về nhập khẩu, người khổng lồ châu Á trong năm ngoái đã soán ngôi vị trí quán quân của Mỹ với thị phần 20,9%, tiếp đến là Hoa Kỳ với 19,8%. EU, Brasil và Argentina cũng là các thị trường xuất khẩu quan trọng vào Chile, nhưng năm ngoái xuất khẩu của các nước này đã giảm khá sâu.