CôngThương - Tham dự Lễ khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Nguyên Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm...
Phát biểu khai mạc, ông Dương Ngọc Long- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên- cho biết, Thái Nguyên được cả nước biết đến không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng- an toàn khu kháng chiến năm xưa mà còn được biết đến bởi đặc sản nổi tiếng “chè Thái Nguyên”.
Toàn tỉnh hiện có gần 19.000 ha chè, đứng thứ hai trong cả nước, sau Lâm Đồng và là tỉnh dẫn đầu về năng suất, chất lượng chè với sản lượng chè búp tươi đạt gần 200.000 tấn/năm; hàng năm Thái Nguyên xuất khẩu trực tiếp khoảng 7.200 tấn sản phẩm trà các loại sang các nước như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Đài Loan, Srilanca, Nhật Bản, Pakistan.
Văn nghệ tôn vinh giá trị cây chè và sản phẩm trà
Các hoạt động tại Festival Trà lần này còn có ý nghĩa thúc đẩy việc phục dựng, tạo lập và phát huy giá trị các hoạt động lễ hội, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, hấp dẫn, độc đáo của tỉnh Thái Nguyên, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn bền vững, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng biểu dương những thành công mà ngành chè Việt Nam nói chung, ngành chè Thái Nguyên nối riền đã đạt được trong những năm qua.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, cùng với sự phối hợp của các địa phương trồng chè trên cả nước; sự ủng hộ, tin dùng của bạn bè quốc tế, ngành chè Việt Nam nói chung và chè Thái Nguyên nói riêng sẽ phát triển hơn nữa, ngày càng có nhiều thương hiệu chè quốc gia nổi tiếng trên thị trường thế giới và văn hóa trà Việt Nam sẽ là nét văn hóa độc đáo, đặc trưng khó quên trong lòng du khách trong nước và quốc tế.
Được biết, sau thành công của Liên hoan trà quốc tế Thái Nguyên -Việt Nam lần thứ nhất 2011, sản phẩm trà của các địa phương, trong đó có trà Thái Nguyên đã được nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến. Đặc biệt, nhiều làng nghề chè được công nhận, những người làm chè đã tự nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng trà thành phẩm, ý thức rõ ràng hơn về thương hiệu sản phẩm, về tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư và gắn phát triển sản phẩm, phát triển làng nghề chè với ngành du lịch, hình thành nhiều tour, tuyến du lịch mới.
Từ thành công này, Festival trà Thái Nguyên-Việt Nam lần thứ hai năm 2013 được tổ chức với mục tiêu tiếp tục tôn vinh cây chè, các sản phẩm và văn hóa Trà; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên; nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với cây chè và sản phẩm trà, tiếp tục khẳng định thương hiệu “Đệ nhất danh Trà” với du khách trong nước và quốc tế.
Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao kỷ lục “Sản phẩm Trà Thái Nguyên thuộc top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á"
Đặc biệt, các hoạt động tại Festival Trà lần này còn giúp thúc đẩy việc phục dựng, tạo lập và phát huy giá trị các hoạt động lễ hội, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, hấp dẫn, độc đáo của tỉnh Thái Nguyên, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên.