Nền kinh tế kỹ thuật số có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của ASEAN lên đến 1 nghìn tỷ USD
Nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực hiện chỉ chiếm 7% GDP, bằng một nửa của Trung Quốc và 1/5 của Hoa Kỳ, theo báo cáo khảo sát của Bain & Company, phối hợp với Google, Sea và Tan Sri Rebecca được thực hiện thăm dò với hơn 2.300 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trên tất cả 10 nước thành viên ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia và Indonesia.
Báo cáo lưu ý rằng, các nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, và nếu được tận dụng đúng cách, có thể thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN và hội nhập kỹ thuật số, kích thích tăng trưởng GDP lên đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo cũng chỉ ra vai trò của các SME trong thúc đẩy hội nhập kỹ thuật số trong khu vực. Cộng đồng doanh nghiệp này sử dụng hơn 80% lực lượng lao động và tạo ra hơn 50% GDP của ASEAN. Tuy nhiên, tính trung bình, họ chỉ chiếm 20% giá trị xuất khẩu của đất nước họ. Và trong khi hầu hết các SME ASEAN công nhận hội nhập kỹ thuật số là một cơ hội, chỉ có 16% các doanh nghiệp khai thác các công cụ kỹ thuật số với đầy đủ tiềm năng của mình.
Nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực vẫn đang tụt hậu, các thị trường ASEAN có thể gặt hái được nhiều lợi ích đáng kể nếu họ tăng trưởng như “một nền kinh tế kỹ thuật số khu vực thống nhất, hơn là từng thị trường riêng lẻ”. Theo báo cáo, các SME bán lẻ hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử, đã tăng trung bình 15% doanh thu. Các đối tác của họ trong lĩnh vực logistics cũng đã cải thiện năng suất từ 10% đến 20% khi sử dụng các công cụ kỹ thuật số, trong khi các SME hoạt động trong ngành nông nghiệp khai thác ứng dụng nông nghiệp tăng từ 5% đến 15%.
Ngoài ra, trong số các công ty đa quốc gia đã sử dụng công cụ kỹ thuật số, có hơn 95% đã tham gia xuất khẩu. Điều này chứng minh hội nhập kỹ thuật số có thể thúc đẩy sự phát triển của SME và vươn xa ngoài các thị trường trong nước. Forrest Li, Giám đốc điều hành và là Chủ tịch Công ty bán lẻ và trò chơi trực tuyến SEA, cho biết: SME có thể là động lực tăng trưởng của Đông Nam Á trong giai đoạn tiếp theo nếu họ được trao quyền với các nguồn lực và kỹ năng để khai thác tiềm năng thực sự của họ. Chúng ta nhìn thấy động lực to lớn trong thương mại điện tử khi nhiều SME hơn khai thác các thị trường trực tuyến mới và tăng trưởng nhanh, nhưng điều quan trọng là nhiều SME hơn được tiếp cận với cơ hội này.
Các SME kỹ thuật số đã chỉ ra các rào cản thương mại kỹ thuật số như nội địa hóa dữ liệu. Hơn nữa, hơn một nửa SME được thăm dò trong nghiên cứu trên cho biết, các rào cản phi thuế quan và logistics kém là rào chắn trong khả năng tham gia vào thương mại kỹ thuật xuyên biên giới. Việc thiếu các lựa chọn thanh toán liền mạch qua biên giới cũng cho thấy một thách thức then chốt, làm cho các giao dịch như vậy trở nên khó khăn về mặt logistics. Ngoài ra, hơn 40% số người được hỏi thể hiện sự thiếu kiến thức và hiểu biết về kỹ năng kỹ thuật số. Để giúp thúc đẩy phát triển kỹ thuật số trong khu vực, báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ASEAN dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan và tập trung nỗ lực vào việc thực hiện các thỏa thuận vận tải hiện có. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các giao dịch liền mạch.
Các chính phủ cũng nên điều chỉnh các chính sách trong nước với các chính sách được nêu trong Khuôn khổ ASEAN về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như các khuôn khổ quốc tế khác. Điều này sẽ bảo đảm dữ liệu được bảo vệ trong khi tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và sáng tạo. Hệ thanh toán kỹ thuật số cũng cần được phát triển thông qua áp dụng các khuôn khổ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như mang lại các linh hoạt cho hội nhập xuyên biên giới. “Việc chỉ định một cơ quan như Ủy ban Điều phối ASEAN về thương mại điện tử (ACCEC) - mở rộng nhiệm vụ ngoài thương mại điện tử để giám sát và điều phối việc triển khai tất cả các khía cạnh của khuôn khổ hội nhập kỹ thuật số” - báo cáo cho biết thêm.