Nepcon Vietnam 2017: Cơ hội cho ngành điện tử Việt Nam
Bà Kasinee Phantteeranurak |
Bà đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường, trong đó có lĩnh vực công nghiệp phụ trợ?
Năm 2016, Việt Nam thu hút khoảng 24,4 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó, sản xuất và lắp ráp là ngành thu hút vốn cao nhất, chiếm khoảng 60%. Cùng với đó, ngày càng nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao hiện diện tại Việt Nam và tiếp tục gia tăng về số lượng, quy mô đầu tư, như: Samsung, Intel, LG, Panasonic và Microsoft...
Đặc biệt, theo nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) điện và điện tử từ châu Á đã tăng 17% trong giai đoạn 2010-2014, trong khi Việt Nam, chỉ số XK tăng gấp 10 lần. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, XK từ khu vực FDI chiếm 72% tổng kim ngạch XK của Việt Nam, trong đó các sản phẩm chính là điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện. Kết quả này cho thấy tiềm năng và cơ hội kết nối giữa Việt Nam với các nhà đầu tư hàng đầu thế giới là rất lớn.
Có thể khẳng định, ở Việt Nam, những lợi thế như: Chi phí sản xuất thấp, nhân công giá rẻ cùng các ưu đãi về thuế, đất đai và chính sách tương đối ổn định... là động lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể như trường hợp của Samsung - nhà sản xuất điện tử khổng lồ đến từ Hàn Quốc - đã tuyển dụng hàng ngàn công nhân và kéo theo hàng trăm nhà sản xuất thiết bị trong, ngoài nước. Trong khi đó, Intel cũng đã đặt cơ sở thử nghiệm và lắp ráp lớn nhất thế giới của hãng tại Việt Nam, với vốn đầu tư 1 tỷ USD, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất tại đây.
Tuy nhiên, để công nghiệp phụ trợ phát triển bền vững thì Việt Nam cần quan tâm đến việc nâng cao năng suất và thúc đẩy chuỗi giá trị hơn là dựa vào những lợi thế sẵn có như trên; phát triển những điểm mạnh của riêng mình để duy trì xu thế cạnh tranh, nếu không, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có sản xuất điện tử sẽ sớm di chuyển đến các quốc gia có lợi thế hơn, như: Indonesia, Campuchia, Lào và Myanmar...
Nepcon Vietnam 2017 hướng tới mục tiêu tăng chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam |
Vậy bà có khuyến nghị gì về những chính sách cần có trong thời gian tới?
Có thể thấy, dù đã có những chiến lược thu hút đầu tư FDI đi kèm với kế hoạch nội địa hóa, song đến nay, tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ 10- 40%, không đạt yêu cầu để hưởng các quy tắc ưu đãi về xuất xứ trong hầu hết các FTA (ở mức 45%). Do đó, để phát triển lâu dài, bản thân các nhà đầu tư lớn như Samsung, Intel, Microsoft đã tự đầu tư và xây dựng năng lực địa phương bằng cách đào tạo nhân viên và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) liên quan. Hơn lúc nào hết, các nhà sản xuất trong nước phải tận dụng những ảnh hưởng này để tự phát triển năng lực sản xuất.
Đặc biệt, mỗi DN nội địa cần xác định rõ mục tiêu trong việc nâng cấp công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời phát triển nguồn nhân lực vận hành hệ thống mới. Trọng tâm của kế hoạch này là cập nhật các kiến thức chuyên sâu và đào tạo kỹ thuật, học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu vào sản xuất. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN trong nước đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu, phát triển và tìm kiếm những công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường...
Trong nỗ lực phát triển công nghiệp phụ trợ nói chung, công nghiệp điện tử nói riêng của Việt Nam, Công ty Reed Tradex với chuyên môn của mình, có thể hỗ trợ gì, thưa bà?
Reed Tradex là công ty đa quốc gia chuyên tổ chức các triển lãm thương mại và sự kiện quốc tế - nơi những công nghệ mới được giới thiệu và là nơi những nhà cung cấp công nghệ và khách hàng gặp gỡ, hợp tác trong kinh doanh. Tại Việt Nam, Reed Tradex đang tổ chức ba triển lãm quốc tế, gồm: Metalex Vietnam, Nepcon Vietnam và Vietnam Manufacturing Expo. Hàng năm, mỗi triển lãm này thu hút hơn 10.000 nhà công nghiệp đến khám phá các công nghệ mới, tham gia vào các diễn đàn, hội thảo chuyên đề.
Trước nhu cầu cấp bách về nội địa hóa các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có công nghiệp điện tử ở Việt Nam, chúng tôi đã và sẽ liên kết với các hiệp hội, tổ chức trong nước, quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên đề, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh ngay tại triển lãm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã mở rộng đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số với mục tiêu hỗ trợ các đơn vị tham gia triển lãm, khách tham quan tiếp cận và kết nối dễ dàng từ mọi nơi trên thế giới.
Vào đầu năm 2016, chúng tôi đã đưa ra một hệ thống giới thiệu thông tin DN thông qua trang website của chương trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả những người tham dự có thể tìm kiếm đối tác phù hợp với nhu cầu của họ. Cũng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong ngành điện tử tại Việt Nam, chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị cho triển lãm “Nepcon Vietnam 2017” - triển lãm đặc biệt về công nghệ SMT, thiết bị và công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất điện tử. Đây là lần thứ 10 triển lãm này được tổ chức tại Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!