Chính phủ Nhật nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục can thiệp mạnh tay ngăn đồng yên tăng giá bất chấp sự phản đối từ bên nào và thực tế Nhật có lý do hợp lý để làm vậy.
Ảnh minh họa: internet
Thương vụ Việt Nam - Tuần trước, khi thủ tướng Nhật Naoto Kan hối thúc chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc hành động một cách có trách nhiệm đối với đồng nhân dân tệ và đồng won – Hàn Quốc, ông đã đẩy Nhật vào “thế khó” với vấn đề tỷ giá.
Trong buổi họp của lãnh đạo G20 vào tháng tới, vấn đề tỷ giá sẽ được quan tâm nhiều nhất, tuyên bố của ông Naoto Kan khiến Nhật không có nhiều khả năng can thiệp ngăn đồng yên tăng giá.
Ngược lại, ông Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Tài chính Nhật, trong ngày thứ Sáu tuần trước tuyên bố sẽ can thiệp mạnh tay nếu cần thiết.
Đáng chú ý, ông tuyên bố hành động ngăn đồng yên tăng giá của chính phủ Nhật sẽ vẫn được đưa ra bất chấp hội nghị G7 hay G20.
Đồng yên vẫn lên mức cao nhất trong 15 năm so với đồng USD bất chấp động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối của chính phủ Nhật vào tháng trước.
Ngày thứ Năm, đồng yên lên mức cao nhất so với đồng USD tính từ tháng 4/1995.
Phần lớn nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng chính phủ Nhật sẽ lại buộc phải can thiệp. Nhiều chuyên gia tin chính phủ Nhật sẽ chờ đến sau hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tới để không phải giải thích gì tại diễn đàn G20. Tuy nhiên chuyên gia khác lại khẳng định Nhật cũng sẽ chẳng quá quan tâm đến G20.
Dù Nhật đã chỉ trích Hàn Quốc về việc can thiệp vào thị trường ngoại hối và đặt dấu hỏi về lý do tại sao Trung Quốc không để đồng nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn, Nhật có thể bảo vệ quan điểm cho hành vi can thiệp của họ. Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật, hoạt động can thiệp của Nhật có mục tiêu ngăn biến động tiền tệ chứ không phải làm yếu đồng yên để giành lợi thế xuất khẩu.
Nhiều chiến lược gia chỉ ra chính phủ Nhật có thể tiến hành can thiệp với lý do so với đồng USD đồng yên đã tăng giá mạnh hơn so với bất kỳ đồng tiền nào tính từ đầu năm 2008 khi khủng hoảng tài chính bắt đầu ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu. Từ đó đến nay, đồng yên đã tăng giá 37,5% so với đồng USD trong khi đó đồng won Hàn Quốc đã ạ giá 16,1%.
Ông John Vail, chiến lược gia toàn cầu tại Nikko Asset Management, cho rằng: “Chính phủ Nhật sẽ tiếp tục can thiệp nếu đồng yên mạnh hơn. Đồng yên đã tăng mạnh nhất thế giới từ năm 2007 trong khi nhiều nước khác không phải chịu gánh nặng như vậy, vì thế Nhật có lý do để tiếp tục can thiệp.”
Triển vọng phục hồi của kinh tế Nhật đang trở nên u ám bởi tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh. Nhu cầu nội địa trong khi đó đi xuống khi ảnh hưởng của gói kích cầu nhạt dần.
Ông Richard Jerram, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Macquarie Securities, cho rằng ngay cả với tỷ giá hiện tại, kinh tế Nhật có thể bước vào suy thoái trong vài năm tới. Tuy nhiên nếu tỷ giá lên mức 75 yên/USD, kinh tế Nhật sẽ suy thoái.
Ông Jerram chỉ ra: “Rõ ràng Nhật rất cần bảo vệ tỷ giá ở mức mà người ta hy vọng sẽ ngăn được suy thoái kinh tế.”
Theo các chuyên gia, dù đồng yên Nhật hiện cao hơn so với trước khi Nhật can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tháng 9/2010, hoạt động can thiệp cũng mang lại một số ích lợi.
Động thái can thiệp làm yếu đồng yên diễn ra trước thời điểm các công ty xuất khẩu đóng sổ sách kế toán vào cuối tháng 9/2010 và khiến thị trường kỳ vọng vào khả năng tiếp tục can thiệp. Nếu không có động thái trên, hẳn đồng yên hiện sẽ giao dịch với đồng USD ở mức 79 yên/USD.
Phiên giao dịch sáng ngày hôm nay (ngày 18/10/2010) tại thị trường Tokyo - Nhật, đồng yên giao dịch với đồng USD ở mức 81,39 yên/USD.
CafeF