Nga thu phục ‘mắt thần’ của Mỹ, bí mật công nghệ quan trọng bị lộ diện
Lực lượng Nga đã chặn và thu giữ thành công một chiếc RQ-20 Puma, loại máy bay không người lái (UAV) trinh sát chiến thuật tiên tiến của Mỹ, tại khu vực Zaporizhia vào cuối tháng 10 vừa qua. Đây là một thành công đáng kể cho các chuyên gia tác chiến điện tử của Nga, khi họ thu hồi được thiết bị quân sự của Mỹ với hệ thống điện tử còn nguyên vẹn. Sự kiện này tạo cơ hội cho các kỹ sư và chuyên gia quân sự Nga nghiên cứu và nắm bắt công nghệ tích hợp trong thiết bị mà quân đội Mỹ thường sử dụng trên chiến trường.
Vụ đánh chặn được thực hiện bởi một nhóm tác chiến điện tử chuyên biệt, đã thành công vô hiệu hóa chiếc UAV mà không gây hỏng hóc cho các hệ thống quan trọng của nó. Theo một chuyên gia chống UAV, việc thu giữ thiết bị nguyên vẹn giúp Nga hiểu rõ hơn về các điểm yếu của công nghệ phương Tây, từ đó tối ưu hóa khả năng phòng vệ của mình.
RQ-20 Puma là một máy bay không người lái của Mỹ. Nguồn ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
RQ-20 Puma, do AeroVironment phát triển, là loại máy bay không người lái cỡ nhỏ, phóng bằng tay và chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát chiến trường thời gian thực. Với kích thước nhỏ gọn và khả năng hoạt động bí mật, RQ-20 Puma trở thành công cụ không thể thiếu trong việc thu thập thông tin về sự di chuyển của đối phương tại các khu vực xung đột.
Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, Mỹ đã cung cấp nhiều lô máy bay RQ-20 Puma cho quân đội Ukraine nhằm tăng cường năng lực quan sát, giám sát. Trong gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD vào tháng 4/2022, Mỹ đã bao gồm loại UAV này để giúp quân đội Ukraine nắm bắt thông tin chiến trường và theo dõi động thái của Nga tại các khu vực chiến sự nguy hiểm. Vì thế, Puma đã trở thành công cụ chiến lược quan trọng của Ukraine, cho phép lực lượng này truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả trong các điều kiện nguy hiểm.
Ngoài Puma, trong cùng chiến dịch, lực lượng Nga còn bắn hạ một UAV của Ukraine mang tên “Baba Yaga” - một thiết bị trinh sát và tấn công được trang bị hệ thống tiếp sóng Starlink cùng cơ chế thả vũ khí chính xác. UAV này giúp Ukraine mở rộng khả năng liên lạc trên chiến trường và tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu đối phương. Tên gọi “Baba Yaga” - nhân vật phù thủy trong văn hóa dân gian Đông Âu - phản ánh khả năng tàng hình và sự đáng gờm của các UAV này. Việc thu giữ thiết bị này cung cấp thêm dữ liệu kỹ thuật cho các kỹ sư Nga, giúp họ hiểu rõ hơn về những tiến bộ công nghệ từ Ukraine và đồng minh phương Tây.
Đối với Nga, các chiến lợi phẩm như RQ-20 Puma và Baba Yaga thi được từ chiến sự Nga - Ukraine không chỉ là những thắng lợi về mặt chiến thuật mà còn đem lại thông tin giá trị về chiến lược công nghệ của đối thủ. Việc sở hữu và phân tích các UAV đối phương tạo điều kiện cho các chuyên gia Nga nghiên cứu chi tiết từ thiết kế, phần mềm tích hợp cho đến hệ thống liên lạc và kỹ thuật ngụy trang điện tử. Những thông tin này có thể ảnh hưởng tới việc phát triển hệ thống UAV và khả năng đối kháng điện tử trong tương lai của Nga.
RQ-20 Puma ra mắt lần đầu năm 2008, hiện được nhiều nhánh quân đội Mỹ, bao gồm Lục quân, Thủy quân Lục chiến và Không quân sử dụng. Với trọng lượng cất cánh tối đa 5,9kg và sải cánh 2,8m, nó có thể đạt tốc độ tối đa 83 km/h và hoạt động trong phạm vi 15km với thời gian bay kéo dài hai giờ. Puma được trang bị nhiều cảm biến, bao gồm camera điện quang và cảm biến hồng ngoại, cho phép giám sát liên tục và kín đáo các khu vực quan trọng. Hình ảnh thu được truyền về các trạm mặt đất theo thời gian thực, tạo điều kiện phân tích và ra quyết định nhanh chóng.
Puma cũng được thiết kế để hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, chịu được nhiệt độ từ -29 đến 49°C, tốc độ gió lên tới 46 km/h và lượng mưa 25,4mm mỗi giờ. Độ bền trong thời tiết xấu này khiến Puma trở thành thiết bị trinh sát được ưa chuộng tại nhiều địa hình, từ sa mạc, núi cao đến khu vực đô thị.