Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 7,3 – 7,6% trong năm 2022 Kinh tế Việt Nam chịu tác động như thế nào từ "làn sóng tăng lãi suất" của các quốc gia? |
Tăng trưởng cao nhờ nhu cầu trong nước phục hồi tích cực
Chiều 8/8, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2022 với tựa đề “Giáo dục để tăng trưởng”.
Điểm lại một số thông tin về tình hình kinh tế thế giới, bà Carolyn Turn – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Kinh tế thế giới vẫn đang đối diện với rất nhiều thách thức liên quan đến căng thẳng giữa Nga và Ukraine, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, cùng với đó là sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới, lạm phát leo thang ở nhiều quốc gia. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và cả năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tích cực |
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2022, cả năm 2022 và năm 2023 vẫn được các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới đánh giá khả quan nhờ vào sự phục hồi tích cực của thị trường trong nước, việc mở cửa các ngành dịch vụ, du lịch và tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, theo bà Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, cập nhật tình hình kinh tế thế giới của Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt 7,5%; 2023 đạt 6,7% và 2024 là 6,5%. Trong khi đó, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 dự báo có thể giữ ở mức 3,8% và 2023 là 4%; đến năm 2024 còn 3,3%.
Về cơ sở để đưa ra dự báo trên, bà Dorsati Madani lý giải rằng: “Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi đáng ngạc nhiên, cộng với nền tăng trưởng trong năm 2021 thấp, nên tăng trưởng năm 2023 được dự báo cao”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, hồi đầu năm 2022, các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới quan ngại khi đưa ra dự báo tăng trưởng về cầu phục hồi trong nước, nên quan ngại về tốc độ phục hồi tăng trưởng của Việt Nam. Cùng với đó, Trung Quốc – thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam đã có những chính sách hạn chế xuất nhập khẩu do lo ngại ảnh hưởng dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong tháng 7/2022, thương mại với Trung Quốc được phục hồi, cùng với đó nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ - đây chính là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tạo ra những triển vọng tích cực cho Việt Nam trong những tháng cuối năm và cả năm 2022.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi tốt tạo bước đệm cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 |
Tạo cơ hội để kinh tế Việt Nam “chuyển mình”
Mặc dù tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 được Ngân hàng Thế giới dự báo khá tích cực và cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ từ đầu năm 2022. Cùng với đó, lạm phát vẫn giữ ở mức tích cực, khi được dự báo ở mức 3,8% trong năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế tháng 8/2022 của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam thiếu vững chắc. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với khá nhiều thách thức do diễn biến từ nền kinh tế thế giới, cụ thể là căng thẳng từ Nga – Ukraine.
Bên cạnh đó, những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới, nếu điều này xảy ra, “sẽ ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của ngành dịch vụ trong nước mới được phục hồi chưa bao lâu” – bà Dorsati Madani cho biết.
Ngoài ra lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đang gia tăng, cùng với đó, một số quốc gia trên thế giới thời gian gần đâu thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, đây lại là những bạn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này càng nguy hiểm hơn khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát rất lớn.
Việt Nam cần khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lao động thiếu tay nghề trong thời gian tới |
Ở trong nước, Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề và kỹ năng quản lý. Cụ thể, có khoảng hơn 70% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho biết, họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý; 68% doanh nghiệp cho biết, khó tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật theo việc làm cụ thể. Nguyên nhân một phần là bởi các chính sách, chi phí đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam chưa cao, ngoài ra nguồn vốn nhà nước đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Về các giải pháp ngắn hạn, theo Ngân hàng Thế giới, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi vững chắc hơn, Việt Nam cần có quan điểm chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ hơn là phòng ngừa rủi ro. Vì Việt Nam vẫn còn không gian tài khóa, nhưng ách tắc trong triển khai. Theo đó, các chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tới đây cần thực hiện tích cực hơn và tập trung vào tăng trưởng xanh hay số hóa.
Về giải pháp mang tính lâu dài, để Việt Nam “chuyển mình” và trở thành nước nền kinh tế tri thức và đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục dạy nghề. Để làm được điều này, bên cạnh tăng đầu tư cho giáo dục cần đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học, cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, nhằm đào tạo lao động đúng nhu cầu thị trường.