Tại Nghị quyết 68/NQ-CP, có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN); tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. BHXH Việt Nam cũng thực hiện xác nhận trong 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác như: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc, nghỉ việc không lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn, trả lương ngừng việc cho người lao động.
Thời gian qua bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 một cách sớm nhất, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngành BHXH Việt Nam đã huy động tổng lực “vào cuộc” quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN với mục tiêu tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không để hồ sơ quá hạn; đảm bảo khi nhận được hồ sơ đầy đủ, thực hiện giải quyết cho NLĐ và doanh nghiệp trong thời gian không quá một ngày làm việc.
Thống kê mới nhất của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 5/9/2021, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 471 đơn vị với 87.237 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 588,3 tỷ đồng tại 47/63 tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, hiện BHXH Việt Nam đã xác nhận danh sách cho 795.165 lao động của 29.352 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố. Trong đó gồm: 613.174 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 26.821 đơn vị. 80.159 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 1.577 đơn vị, 1.010 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 9 đơn vị, 45.838 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 613 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, 35.516 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 181 đơn vị, 19.468 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất của 151 đơn vị.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều lao động bị mất việc làm, các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho người lao động và người sử dụng lao động, cũng như việc giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHTN, BHYT của ngành BHXH Việt Nam cho người tham gia đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách BHXH, BHYT.