CôngThương - Mới đáp ứng 1% nhu cầu
Theo thống kê của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vcosa), đầu những năm 2000 được coi là thời hoàng kim của cây bông, diện tích trồng cây bông vải trên cả nước lên đến hơn 32.000 ha, có thời điểm lên tới gần 36.000 ha thì đến năm 2006 - 2007 diện tích giảm còn 17.300 ha và năm 2008, cây bông vải đã sụt giảm nghiêm trọng chỉ còn chưa đầy 3.000 ha.
Năm 2010, tổng diện tích gieo trồng đã dần được phục hồi lên 10.400 ha, trong đó, sản lượng bông hạt: 1 tấn/ha; bông xơ: 0,35 tấn/ha; vùng gieo trồng trọng điểm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Nông, Sơn La. Tính đến tháng 9/2011, diện tích bông gieo trồng đạt 11.500 ha; sản lượng bông hạt: 1,1 tấn/ha; bông xơ: 0,35 tấn/ha… Mặc dù diện tích trồng bông đang được các tỉnh Tây Nguyên tích cực phục hồi, nhưng sản lượng mới chỉ đáp ứng 1% nhu cầu trong nước, còn lại buộc phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Mai Hoàng Ân - Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam - cho biết, giá trị kim ngạch dệt may luôn đứng trong tốp đầu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng giá trị gia tăng của ngành lại không lớn. Nguyên nhân chính vì nguồn nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Đặc biệt, nguyên liệu bông xơ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành xuất khẩu của sản phẩm dệt may thì phải nhập tới 99%. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 11,21 tỷ USD; nhưng phải nhập 6,538 tỷ USD vải và xơ sợi các loại. Trong tổng số 370.000 tấn nhu cầu bông cho sản xuất trong nước, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 4.000 tấn, còn lại phải nhập từ châu Phi khoảng 72.000 tấn, từ Ấn Độ 120.000 tấn, từ Mỹ 130.000 tấn và một số quốc gia khác. Riêng 9 tháng đầu năm 2011, nhập khẩu 237.268 tấn, giảm 14,5% so với cùng kỳ, nhưng tăng 67,26% về kim ngạch, đạt 817,12 triệu USD, chiếm 1,06% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước.
Từ ngày 26/9 đến hết năm 2011, Bộ Công Thương đã thành lập chương trình “Khảo sát ngành bông 2011” để làm rõ một số vấn đề liên quan đến cây bông Việt Nam, như: hiện trạng, năng lực ngành bông, chất lượng, giá thành cũng như những khuyết điểm tồn tại hiện nay để từ đó xác định được những điều kiện tiền đề về chính sách vĩ mô và chiến lược phát triển ngành bông bền vững, hiệu quả.
|
Lý giải vì sao cây bông không còn chỗ đứng trong trong cơ cấu cây trồng của người nông dân, đặc biệt là vùng Tây Nguyên - nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để xây dựng vùng chuyên canh cây bông vải rộng lớn… Ông Trần Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) - cho rằng, cây bông phụ thuộc quá lớn vào thời tiết, năng suất thấp, không ổn định, vì cây bông ở nước ta chủ yếu nhờ vào nước tự nhiên. Năng suất bông dao động khoảng 10 – 11 tạ/ha, bằng 60% năng suất trung bình của các nước sản xuất bông lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng bông của Việt Nam lại không cao khiến giá trị không cạnh tranh nổi với một số loại cây công nghiệp khác như: Ngô, cà phê, tiêu… Đối với cây bông có tưới, năng suất, giá trị cao nhưng những hộ tư nhân ít có điều kiện để xây dựng hệ thống tưới tiêu nên diện tích này chiếm tỷ lệ rất ít.
Nguyên nhân chính làm cho diện tích cây bông sụt giảm mạnh do thời gian qua, người nông dân phải loay hoay trong bài toán tìm đầu ra cho cây bông vải. Cơ chế quản lý của ngành bông còn lỏng lẻo không tạo sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong khi giá bông cứ dậm chân tại chỗ thì tư thương liên tục ép giá khiến người dân không còn mặn mà.
Cần mô hình “mồi”
Theo ông Trần Hùng, cái khó nhất của phát triển vùng nguyên liệu bông hiện nay là không có đất nông nghiệp để phát triển bông công nghiệp. Để phát triển cây bông năng suất, hiệu quả cao phải có hệ thống tưới tiêu, nhập giống, quản lý tốt… Muốn làm được điều này cần có diện tích đất liền thổ. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu đất nông nghiệp của Việt Nam như “rổ đỗ” nên rất khó phát triển cây bông công nghiệp. “Người nông dân có quyền trồng hay không trồng cây gì. Chính vì vậy, để người nông dân phát triển diện tích trồng bông bền vững cần có những mô hình “mồi” của doanh nghiệp, địa phương cho họ học tập và phát triển theo đúng mô hình đó, nhằm nâng cao năng suất và giá trị của cây bông, tạo được sức cạnh tranh với các cây công nghiệp. Từ đó, họ mới có hứng thú đầu tư vào phát triển loại cây này” - ông Trần Hùng khẳng định.
Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015. Theo đó, đến năm 2015 sẽ đạt diện tích khoảng 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 1,5- 2 tấn/ha và dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 76.000 ha, năng suất cũng tăng lên từ 2-2,5 tấn/ha. Chương trình khuyến khích các doanh nghiệp bông tích cực hỗ trợ nông dân trồng bông về: Vốn, giống, vật tư phân bón, đầu tư cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến thu hoạch, chủ động tưới nước. Đồng thời, định giá thu mua bông hạt hợp lý, thành lập quỹ bình ổn để ổn định giá mua bông hạt, nhằm tạo sự ổn định, đảm bảo lợi ích cho người trồng bông, từ đó tạo bước đột phá trong việc phát triển cây bông theo đúng kế hoạch đề ra.
Trước nguy cơ không còn chỗ đứng cho cây bông trên đất Tây Nguyên, Tổng công ty Bông Việt Nam đã rốt ráo triển khai nhiều biện pháp “cứu” cánh, như: Hỗ trợ 100% hạt giống, ứng trước một phần chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua cùng một giá cho cả bông loại 1 và loại 2. Ngoài ra, tổng công ty còn tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây bông đúng quy trình kỹ thuật. Công ty Cổ phần Bông Việt Nam cũng đã nâng mức giá trần thu mua bông hạt cho người nông dân từ 14.000 đồng/kg vụ trước lên 17.000 đồng/kg.