CôngThương - Tuy nhiên câu hỏi đặt ra lúc này là: năm 2010 có phải là đỉnh ngắn hạn của ngành?
Năm 2010 ấn tượng
Ngay đầu năm 2010, giá bán mủ cao su tự nhiên trong quý I đạt khoảng 60 triệu đồng/tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2009. Từ đó đến nay, giá bán mủ cao su liên tục tăng mạnh kể cả vào mùa vụ cao điểm (quý cuối của năm).
Ông Nguyễn Thái Bình, phụ trách công bố thông tin của CTCP Cao su Tây Ninh (mã TRC) cho biết, hiện tại, giá bán mủ cao su đã tăng lên mức 90 - 100 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá kỷ lục của ngành cao su tự nhiên trong nước.
Do đó, mức lợi nhuận rất cao mà các DN đã đạt được cũng dễ hiểu. 10 tháng đầu năm, TRC đạt lợi nhuận 192,6 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm. CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đạt lợi nhuận 10 tháng đầu năm là 270,55 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm.
Tương tự, các DN khác như HRC, PHR, TNC cũng chỉ trong 9 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, mà điển hình là HRC, vượt tới 37% kế hoạch cả năm.
Từ nền tảng lợi nhuận này, giá cổ phiếu của hầu hết DN cao su đều ở mức tương đối cao so với mặt bằng giá (tính theo con số tuyệt đối) chung của TTCK. Cổ phiếu HRC của CTCP Cao su Hòa Bình hiện đang giao dịch ở mức giá trên 60.000 đồng/cp, trong khi đầu năm, mức giá chủ yếu của cổ phiếu này khoảng 36.000 đồng/cp. Tương tự, giá DPR cũng giao dịch ở mức trên 64.000 đồng/cp, trong khi mức giá thấp nhất 52 tuần là 48.000 đồng...
Liệu đã đạt đỉnh?
Với giá mủ cao su đã đạt mức rất cao, câu hỏi đặt ra là: năm 2010 liệu đã là đỉnh của chu kỳ phát triển ngành?
Một điểm đáng chú ý, năm 2011, hầu hết các DN cao su tự nhiên đan g niêm yết đều ở “điểm võng” về sản lượng khai thác Cao su Hòa Bình, Cao su Tây Ninh, Cao su Đồng Phú... đều dự báo năm 2011, sản lượng khai thác sẽ giảm so với năm 2010, do các DN này đang trong giai đoạn trồng mới một phần diện tích rừng cao su.
Ông Phạm Phi Điểu, phụ trách công bố thông tin CTCP Cao su Đồng Phú cho biết, năm 2011, Công ty dự kiến trồng mới 200 héc ta cây cao su, trên tổng số khoảng 7.245 héc ta cây cao su đang khai thác. Do đó, năm 2011, sản lượng khai thác mủ của Cao su Đồng Phú dự kiến khoảng 14.300 tấn, giảm so với năm 2010 khoảng trên 16.000 tấn.
Với CTCP Cao su Tây Ninh, năm 2011, sản lượng khai thác dự hến cũng khoảng 11.000 tấn, là mức thấp nhất trong dải kế hoạch khai thác của Công ty (dao động trong khoảng từ 11.000 - 15.000 tấn/năm), do Công ty cũng có kế hoạch thanh lý và trồng mới một phần diện tích cây cao su.
Riêng với CTCP Cao su Hòa Bình, theo ông Bùi Phước Tiên, Phó tổng giám đốc Công ty, trong 5 năm tới, sản lượng khai thác của DN dự kiến liên tục giảm, từ mức hiện tại là 2.874 héc ta năm nay về 2.380 héc ta năm 2011, giảm dần đến năm 2015 về còn 1.717 héc ta. Phải từ khoảng năm 2016 trở đi, diện tích trồng mới cao su đưa vào khai thác mới có thể giúp Cao su Hòa Bình tăng diện tích, sản lượng khai thác.
Thêm vào đó, bài học năm 2008 cho thấy, diễn biến giá bán mủ cao su là điều khó lường với ngay cả những người trồng cao su. Trong bối cảnh nền kinh tế có những diễn biến không tích cực thì giá bán mủ cao su cũng liên tục tăng mạnh do tương quan với giá dầu.
Cụ thể, năm 2008, giá bán dầu mỏ đã tăng đến mức xấp xỉ 150 USD/thùng, giúp giá bán mủ cao su tặng mạnh (do thay thế cao su tổng hợp). Nhưng, ít ai ngờ sang năm 2009, giá bán mủ cao su rớt mạnh, có lúc về khoảng 18 triệu đồng/tấn, do giá dầu mỏ giảm xuống dưới 50 USD/thùng. Chính vì vậy, diễn biến giá dầu mỏ sẽ là ẩn số quan trọng tác động đến giá mủ cao su tự nhiên năm 2011.
Hiện tại, giá bán mủ cao su tự nhiên mà Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự tính để lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2011 là 50 - 55 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Bình thì đây là mức giá có tính thận trọng cao, vì một số tổ chức nước ngoài sẵn sàng chào mua với giá cao hơn nếu phía Việt Nam chấp nhận bán toàn bộ sản phẩm mủ cao su tự nhiên cho họ.
Với mức dự báo mới nhất của Wall Street Strategies về giá dầu năm 2011 sẽ lên trên 100 USD/thùng, giá mủ cao su có thể sẽ tiếp tục tăng so với mức giá 90 -100 triệu đồng/tấn hiện nay.
Tuy nhiên, với dự báo về sản lượng đứng trước nguy cơ giảm như hiện tại, thì mức độ phụ thuộc vào giá của nhóm ngành này sẽ tăng mạnh hơn. Chưa kể, do đặc thù ngành nên cao su tự nhiên sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố thời tiết.
Mặc dù đa số DN đều dự báo kết quả kinh doanh khả quan hơn từ năm 2012 (ngoại trừ HRC), nhưng thật khó có thể biết được, liệu 2010 đã là năm đỉnh cao với ngành cao su hay chưa? Bùi Sưởng.
ĐTCK