CôngThương - Phát triển “nóng”
Theo ông Lê Thế Chiến- Vụ phó Vụ I, Thanh tra Chính phủ: Tính đến hết tháng 4/2011, cả nước đã có hơn 121 giấy phép thăm dò, 3.882 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp còn hiệu lực. Trong đó, 82% là giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, 16% giấy phép khai thác khoáng sản khác, còn lại là giấy phép khai thác tận thu. Về doanh nghiệp, có hơn 2.000 doanh nghiệp có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với sự tham gia của hầu hết các thành phần kinh tế.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp khai khoáng đã kéo theo những hệ lụy không nhỏ. 3 năm gần đây, tình trạng sai phạm, tham nhũng trong khai thác khoáng sản khá phổ biến. Cụ thể, nhiều văn bản được ban hành có nội dung trái với Luật Khoáng sản như: “Quy định thời hạn cấp phép lần đầu không quá 5 năm, một lần gia hạn không quá 3 năm” là trái Điểm 3, Điều 31 Luật Khoáng sản, dẫn đến việc lách luật của doanh nghiệp trong việc không thăm dò khai thác khoáng sản trước khi cấp phép. Ban hành trình tự thủ tục cấp phép trái với quy định: “Tất cả các trường hợp xin cấp phép hoạt động phải có ý kiến đồng ý của UBND tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường mới đuợc tiếp nhận hồ sơ”. Điều này đã tạo ra cơ chế độc quyền xin- cho, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nảy sinh tham nhũng. Bên cạnh đó, trong công tác lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch khoáng sản đã có 74,6% tỉnh, thành phố trong cả nước phê duyệt quy hoạch kháng sản thuộc thẩm quyền nhưng do chưa rà soát, điều chỉnh, nhất là điều chỉnh sau quy hoạch do Trung ương phê duyệt; chưa có sự phối hợp với với các bộ có liên quan: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) nên chất lượng quy hoach còn thấp, có sự chồng chéo giữa quy hoạch Trung ương và địa phương…
Đặc biệt, vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai khá phổ biến. Có địa phương trên 60% số mỏ được cấp phép chưa hoàn thành thủ tục thuê đất nhưng vẫn khai thác khoáng sản (Nghệ An có 127/205 điểm mỏ chưa làm thủ tục thuê đất). Thậm chí, một số địa phương đã xảy ra hiện tượng chiếm dụng đất rừng cho hoạt động khai thác khoáng sản: mỏ than Đồng Rì (Bắc Giang) chiếm dụng 1.343 ha; mỏ vàng Bồng Miêu, mỏ vàng Phước Sơn (Quảng Nam) chiếm dụng 302 ha…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có lĩnh vực khai khoáng. Nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, hàng năm, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản. Riêng Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), từ năm 2006 đến 2010 đã tiến hành hơn 1.600 cuộc thanh, kiểm tra, tiến hành thu hồi 6 tỷ đồng. Đáng chú ý, đã phát hiện một số vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng, đã và đang được các cơ quan pháp luật khởi tố điều tra (cán bộ tại Công ty Than Quang Hanh lập chứng từ khống thanh toán; gian lận chất lượng than tiêu thụ tại Công ty Kho vận Hòn Gai và Công ty CP Giám định của TKV…)
“Tự tung, tự tác” ban hành văn bản- Do đâu?
Sai phạm, tham nhũng nêu trên phần lớn bắt nguồn từ sơ hở về thể chế, chính sách. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khia khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025” nhưng lại chưa có chiến lược phát triển tài nguyên, khoáng sản Việt Nam làm cơ sở xây dựng quy hoạch trong từng giai đoạn, dẫn tới một số địa phương “tự tung, tự tác” ban hành văn bản. Trong hoạt động cấp phép, lợi dụng kẽ hở trong chính sách, một số địa phương cấp phép khai thác tận thu khoáng sản sai quy hoạch, không đảm bảo trình tự thủ tục, không đúng vị trí được giao tận thu; không xây dựng quy trình, thủ tục cấp phép hoạt động hoặc cho phép đầu tư nhiều dự án chế biến hoặc chế biến sâu khoáng sản chưa có trong quy hoạch mà không có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành có liên quan… Còn theo Thông tư số 04/2007/TT-BCT hướng dẫn điều kiện kinh doanh và Thông tư số 05/2007/TT-BCT về hướng dẫn xuất khẩu than của Bộ Công Thương thì than không phải là mặt hàng cấm, chỉ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Thế nhưng, Nghị định số 59/CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh… lại quy định “than mỏ là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện nhưng không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”. Đây là “lỗ hổng” để cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng mua bán hóa đơn GTGT hợp pháp hóa nguồn than trái phép để bán…
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định, nhiều quy định của Luật Khoáng sản không còn phù hợp thực tế; nội dung phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản chưa hợp lý; không ít quy hoạch đã không phù hợp với tình hình thực tế như quy hoạch titan, vật liệu xây dựng; các dự án khai thác, chế biến sử dụng công nghệ chưa cao; cơ quan thanh tra chuyên ngành về khoáng sản chưa đủ mạnh…
Những giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng. Trong đó cần tập trung theo hướng cải tiến lề lối làm việc, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản để kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, tránh chồng chéo, sơ hở. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý theo hướng công khai, minh bạch và dân chủ để công tác phòng chống tham nhũng đi vào chiều sâu. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2004/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; Nghị định số 77/2007/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 150 theo hướng nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Còn về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, phải xây dựng được dự thảo quy hoạch khoáng sản có chất lượng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác lập quy hoạch khoáng sản. Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường năng lực cho bộ máy làm công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành khoáng sản từ Trung ương đến địa phương; tăng cường công tác “hậu kiểm”; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định mọi hành vi sai phạm. Bên cạnh đó, UBND các địa phương cần rà soát, có giải pháp nâng cao năng lực cả về bộ máy cán bộ quản lý. Nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm sản lượng khai thác một số loại khoáng sản đối với các mỏ đang khai thác và tạm dừng cấp giấy phéo khai thác khoáng sản đối với một số loại đặc biệt.
Một số chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, để nguồn lợi từ việc khai thác, chế biến khoáng sản được sử dụng vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội, hạn chế tham nhũng thì việc củng cố thể chế chính sách nói chung và minh bạch hóa các thông tin về nguồn thu chi và hoạt động trong công nghiệp khai thác khoáng sản là hết sức cần thiết. Việt Nam cũng nên cân nhắc, nghiên cứu và tham gia vào các hành động chung toàn cầu, trong đó có việc gia nhập và thực thi sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI).