Ngành Công Thương Hà Nội cần tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”
Tin hoạt động 07/01/2022 19:12
Kim ngạch xuất khẩu tăng 0,9% so với năm 2020
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tính chung cả năm khu vực dịch vụ vẫn ước tính tăng 2,71% so với năm 2020, đóng góp 1,72 điểm % vào mức tăng 2,92% GRDP quý IV; trong đó giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn bán lẻ tăng 1,88%, đóng góp 0,18 điểm % vào mức tăng 2,92% của GRDP. Cũng trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2022 ngành Công Thương Hà Nội đạt ra các chỉ tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,3-7,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phấn đấu tăng khoảng 8-9%...
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương Hà Nội năm 2022 |
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- chia sẻ, để đạt những mục tiêu trên, ngành Công Thương Thủ đô sẽ thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối trên địa bàn Thành phố; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kế hoạch phát triển logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025;
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư các loại hình thương mại đảm bảo phù hợp với quy hoạch, chú trọng công tác đầu tư, sửa chữa cải tạo các chợ theo kế hoạch đã được phê duyệt; hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp phân phối phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại; tập trung phát triển thương mại văn minh, hiện đại; phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, phục hồi và khai thác có hiệu quả các đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại bằng các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025...
Tạo lập các động lực tăng trưởng mới
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, năm 2021 là năm đầu triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021 – 2025) trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức như dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu, đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn gần 200%. Thiên tai xảy ra khốc liệt, gây thiệt hại 5.200 tỷ đồng. Tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị |
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, ngành Công Thương đã đạt được kết quả toàn diện, xuất nhập khẩu tăng trưởng kỷ lục đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Việt Nam đã được đưa vào 20 nền kinh tế hàng đầu trong nền thương mại quốc tế, trong đó xuất khẩu tăng 19% so với năm 2020. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tăng 4,82% cao hơn so với cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn so với tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh/thành phố có mức tăng trưởng âm nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng dương thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả qua các quyết sách của Thành phố.
“Một trong những điểm sáng của ngành công thương đó là đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là cung ứng hàng hóa thiết yếu, cung ứng về nguyên vật liệu, đảm bảo cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu, Hà Nội đã làm tốt việc này” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đánh giá cao hoạt động của ngành Công Thương Hà Nội, biểu dương và chúc mừng thành tích mà các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của ngành Công Thương của cả nước.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng chưa được thông suốt, nhiều nơi bị đứt gãy, việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại cả truyền thống và cả đổi mới vẫn bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho cao, sức mua kém, một số chỉ tiêu tăng trưởng chưa cao. Công tác phát triển hạ tầng thương mại, công nghiệp còn nhiều khó khăn. Công tác phát triển công nghiệp, chuyển đổi số,… chưa theo kịp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Bước sang năm 2022, để khắc phục những bất cập này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị ngành Công Thương Hà Nội thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Trước mắt, cần tập trung triển khai ngay Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ngoài ra, tập trung tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương.
Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Lễ Hội nghị tổng kết, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao tặng Huân chương lao động hạng 3 cho tập thể Sở Công Thương Hà Nội |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội- yêu cầu Sở Công Thương tập trung rà soát các quy hoạch ngành gắn với quy hoạch xây dựng chung Thủ đô, quy hoạch vùng huyện…để triển khai có hiệu quả công tác công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại theo quy hoạch đã đề ra và chỉ tiêu giao của Thành phố năm 2022.
Đồng thời, cần có giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công. Tăng cường các biện pháp bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Đồng thời yêu cầu tổ chức triển khai các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, qua đó tháo gỡ các khó khăn vướng trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản pháp quy đã ban hành trong lĩnh vực Công Thương để thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển. "Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở cần thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu", ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Tại Lễ Hội nghị tổng kết, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao tặng Huân chương lao động hạng 3 cho tập thể Sở Công Thương Hà Nội.