Ngành Công Thương Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2025
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Hiện nay, an toàn thực phẩm là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân ngày càng gia tăng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển ngày càng nhiều.
Sản xuất bánh cốm tại Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh (Ảnh: Thu Hường) |
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Hàng năm Sở Công Thương chủ động bám sát nội dung chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội để xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương và triển khai các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh,an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực phối hợp với Sở Y tế - cơ quan thường trực về an toàn thực phẩm Thành phố và các sở, ngành đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội cho phù hợp với các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm , hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với chất lượng thực phẩm lĩnh vực Công Thương qua nhiều hình thức, góp phần tạo bước chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm .
Kết quả, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức trên 60 lớp tập huấn với hơn 7.000 người tham dự, in ấn và cấp phát hơn 228.000 ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền; treo Pano tuyên truyền tại Sở vào các dịp cao điểm..
Bên cạnh đó, Sở cũng đã tăng cường công tác thanh kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội (Ảnh: Thu Hường) |
“Từ năm 2020 đến nay, Sở đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 325 lượt doanh nghiệp, qua đó phát hiện và xử phạt 59 doanh nghiệp vi phạm với số tiền 636 triệu đồng. Đồng thời chủ trì 01 đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các quyện/huyện/thị xã vào dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân”- ông Nguyễn Thế Hiệp cho hay.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh. Sở đã xây dựng và ban hành các quy trình ISO thực hiện thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm … thời điểm hiện tại 100% TTHC thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm được tiếp nhận trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức thực hiện thủ tục hành chính
Ông Hiệp cho hay, Sở đã hỗ trợ, hướng dẫn, tiếp nhận và cấp 1.325 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm , các hồ sơ được giải quyết đúng thời hạn quy đinh; Tiếp nhận và đăng tải 49.900 hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm theo quy định.
Một trong những điểm nổi bật của ngành Công Thương Hà Nội trong thời qua đó là đã tích cục triển khai Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ và Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố: Đến nay, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, cấp biển nhận diện đối với 1.041 cửa hàng kinh doanh trái cây và 2.940 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm và tiêu chí của Đề án, xây dựng 25 trạm xét nghiệm nhanh phục vụ công tác xét nghiệm, lấy mẫu thực phẩm tại chợ của 8 quận/huyện.
Ngoài ra hàng chục sự kiện giao thương kết nối, xúc tiến thương mại… đã được Sở tổ chức, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển vùng sản xuất an toàn trên địa bàn và tạo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, ổn định trên địa bàn Thành phố.
Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho dịp cuối năm 2024 và dịp Tết năm 2025, với chức năng nhiệm vụ được giao trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở Công Thương sẽ tâp trung triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương đã xây dựng từ đầu năm, đồng thời bám sát chỉ đạo của Thành phố để xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.
Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu thực phẩm sẽ tăng cao đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Ông Nguyễn Thế Hiệp khẳng định, ngành Công Thương Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm đặc biệt đối với dịp Tết Nguyên đán 2025. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm thực phẩm an toàn từ các vùng sản xuất an toàn của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối của Thành phố để vừa đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực Công Thương, trong đó chú trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn hãng hóa, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
Sở tiếp tục phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh thực hiện Đề án trái cây cùng với đó tăng cường công tác cải thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch các quy trình giải quyết TTHC theo chương trình, Kế hoạch của Bộ Công Thương, UBND Thành phố; Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm đảm bảo chất lượng, tiến độ và thời gian theo quy định.