Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Hòa Bình - thông tin, giai đoạn vừa qua, tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt trên 10%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,71%/năm; tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 334 dự án sản xuất công nghiệp, trong đó, 138 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ đất công nghiệp được lấp đầy tại các khu công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng đạt 56,9%, các cụm công nghiệp đạt 46,7%. Chất lượng cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân từng bước được nâng lên.
Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Hòa Bình - phát biểu tại Hội nghị Ký kết hợp tác phát triển Công Thương |
Cùng với công nghiệp, thương mại địa phương cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu đến cuối năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015 hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Thương mại nội tỉnh luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2015 - 2020 đạt 19,3%. Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương được chú trọng. Ngành Công Thương đã khẳng định vai trò quan trọng với mức đóng góp trên 70% tổng GRDP toàn tỉnh.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra
Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương Hòa Bình xác định tiếp tục nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm phát huy ý chí, khát vọng vươn lên, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp, triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt; tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại. Chủ động xây dựng chương trình, định hướng, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh của tỉnh; quan tâm phát triển công nghiệp theo hướng xanh hơn, sạch hơn, mà cốt lõi là phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện sản xuất sạch hơn, ưu tiên triển khai dự án sử dụng nguồn nguyên liệu phế thải.
Hòa Bình cũng chủ trương đầu tư mạnh vào các dự án công nghiệp lớn nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm trên địa bàn. Chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; nâng dần tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Về phát triển thương mại, Hòa Bình đặt mục tiêu quản lý tốt các quy hoạch về thương mại; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư gắn với xã hội hóa các hoạt động đầu tư hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống và hiện đại… Đồng thời, chủ động thích ứng với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0..
Tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, kinh tế đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc bộ và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của cả nước. |