Ngành Công Thương nâng cao năng lực nghiên cứu
Hiện các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Bộ Công Thương có tổng số 36 phòng thí nghiệm chuyên ngành, trong đó có 3 Phòng thí nghiệm trọng điểm (gồm Phòng thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ hàn và Xử lý bề mặt, và Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm Quốc gia).
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu |
Số lượng xưởng sản xuất, trung tâm thực nghiệm là 24 cơ sở, tập trung tại một số đơn vị như: Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu…
Trong giai đoạn vừa qua, cơ sở vật chất và trang thiết bị của nhiều viện đã từng bước được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, từ nguồn đầu tư trung hạn, trong giai đoạn 2011-2015, các viện đã đầu tư thực hiện 12 dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí đầu tư khoảng 624 tỉ đồng; trong đó, kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước khoảng 566 tỉ đồng.
Giai đoạn 2016-2020, được Chính phủ giao thực hiện 11 dự án đầu tư với tổng kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ là 266,712 tỷ đồng, trong đó: 6 dự án chuyển tiếp từ trước năm cuối của giai đoạn trước sang giai đoạn 2016-2020; 3 dự án khởi công mới và hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020; 2 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; 16 dự án dự kiến nằm trong Kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các doanh nghiệp cũng chú trọng tới đầu tư, tăng cường đổi mới trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, điều kiện làm việc cho các tổ chức kỹ thuật, nghiên cứu khoa học trực thuộc và cán bộ làm công tác khoa học và công nghệ.
Bên cạnh các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhiều tổ chức nghiên cứu KH&CN đã và đang thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu từ nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty và một số đơn vị đã khai thác được nguồn vốn tài trợ của nước ngoài.
Điển hình như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… hoạt động đầu tư phát triển KH&CN luôn được tập trung ưu tiên nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động nghiên cứu KH&CN phục vụ sự phát triển của ngành.
Ngoài ra, đối với khối trường thuộc Bộ đã xây dựng, đầu tư các phòng thí nghiệm; trong đó, một số trường có diện tích phòng thí nghiệm, xưởng thực hành khá lớn; một số trường đã trang bị nhiều thiết bị thí nghiệm hiện đại, công nghệ tiên tiến có khả năng phục vụ tốt cho hoạt động nghiên cứu như thiết bị thí nghiệm cơ điện tử, robot, tự động hóa quá trình điều khiển, thiết bị sinh hóa, hóa học, thiết bị đo lường có độ chính xác cao, máy CNC, máy cắt dây, máy gia công tia lửa điện, trung tâm gia công…
Tuy nhiên, tại một số đơn vị vẫn tồn tại tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ nên chưa phát huy được hết hiệu quả của công nghệ mới. Một số công trình đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai chậm, chủ yếu do tiến độ cấp kinh phí chậm, nhỏ giọt, thủ tục giải ngân phức tạp, làm ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác, sử dụng trang thiết bị được đầu tư…
Tiềm lực cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh; tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành chi phí sản phẩm. |