Dây chuyền sản xuất bia của Habeco - Nghệ An |
Tạo động lực cho phát triển
Những năm gần đây, công nghiệp Nghệ An có nhiều khởi sắc. Nếu như năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 8.500 tỷ đồng thì năm 2014 con số này đã tăng gấp 4 lần đạt 32.123 tỷ đồng. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển từ đa ngành, manh mún sang hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến như: sản xuất xi măng, mía đường, sản xuất bia, chế biến sữa, chế biến lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản…
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng khá do một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động đã ổn định sản xuất nên sản phẩm tăng cao. Chỉ riêng sản phẩm sữa tươi năm 2014 ước đạt 109,8 triệu lít, tăng gấp 3,58 lần so với năm 2013; quần áo sơ mi ước đạt 14,3 triệu cái tăng 50,56%; sữa chua, kem ước đạt 16,6 tấn tăng 37,67%. Bia đạt 193,8 triệu lít tăng 7,55 lần… Ngoài ra, do nhu cầu xây dựng tăng mạnh trong năm nên một số sản phẩm công nghiệp là nguyên vật liệu cho ngành xây dựng tăng cao. Trong đó, gạch xây dựng đạt 672,6 triệu viên tăng 35,75%; xi măng đạt 1.397,5 nghìn tấn, tăng 22,35%...
Để có được kết quả trên, Nghệ An đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp phát triển như: Ban hành hệ thống cơ chế, chính sách phát triển trên các lĩnh vực với những cơ chế khuyến khích đầu tư thông thoáng bằng ưu đãi về đơn giá thuê đất, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ đào tạo nghề. Tạo điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng cũng như huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhất là các sản phẩm trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, chế biến bột đá, thiếc, sản xuất xi măng…
Đặc biệt từ năm 2010, Nghệ An đã phát triển chăn nuôi bò sữa theo công nghệ hiện đại với quy mô lớn tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa và bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại nhất Đông Nam Á. Thêm vào đó, tháng 5/2010 dự án sản xuất bia với sản lượng 50 triệu lít/ năm của Habeco đi vào hoạt động tại KCN Nam Cấm; dự án bia Sài Gòn - Sông Lam công suất 100 triệu lít để có tổng công suất bia 200 triệu lít… Cùng với đó là công nghiệp chế biến mía được phát triển gắn liền với công tác tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, bảo đảm sản lượng đường sản xuất ổn định 16 vạn tấn/năm… là những điểm sáng trong công nghiệp chế biến của ngành Công Thương Nghệ An.
Sản xuất bánh kẹo tại Công ty CP Bánh kẹo Tràng An 2 - Cửa Lò, Nghệ An |
Năm 2015, ngành Công Thương Nghệ An phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 34.882 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ: 45.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu: 550 triệu USD, trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 420 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu: 350 triệu USD. |
Nhiều chính sách được triển khai
Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, năm 2014 Sở Công Thương đã hỗ trợ khuyến khích ưu đãi đầu tư 52 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp là 21,244 tỷ đồng; hỗ trợ chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đạt 23 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2014, Nghệ An đã công nhận thêm 7 làng nghề và tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho 133 làng nghề được công nhận phát triển và tổ chức đào tạo nghề từ nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn khuyến công quốc gia. Các nghề đào tạo chủ yếu là: mộc dân dụng, sản xuất hương, thêu ren… Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn duy trì mức tăng trưởng thấp, đạt xấp xỉ 10%. Giá trị sản xuất tại các làng nghề năm 2014 của Nghệ An đạt trên 3.500 tỷ đồng/năm.
Đồng thời thông qua các đề án về phát triển chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa; đề án phát triển chè, đề án phát triển cao su cũng đã được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã xây dựng và quy hoạch được 14 khu chế biến thủy sản tập trung với diện tích 78,83 ha, trong đó đã sử dụng 28,83 ha. Hoạt động sản xuất nước mắm đạt sản lượng 32,4 triệu lít/năm đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và các làng nghề ven biển.
Trong chiến lược phát triển nhằm trở thành tỉnh công nghiệp khá vào năm 2020 và là trung tâm phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ, ngành Công Thương Nghệ An xác định sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất - kinh doanh nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đào tạo nghề cho người dân tại các làng nghề |