Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/4, tại TP. Huế.
Chủ động hơn trong việc ứng phó và làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng - cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Đặc biệt, năm 2020 cả nước chịu thiệt hại nặng nề (nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên) do bão lũ, thiên tai xảy ra.
Theo thống kê, năm 2020, cả nước đã xảy ra 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 256 đợt giông lốc, mưa đá trên 49 tỉnh/thành phố; trong đó có 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc bộ và Trung bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lũ lớn lịch sử, 90 trận động đất, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng làm: 357 người chết và mất tích, 3.429 nhà sập, trôi, 333.084 nhà bị hư hại, di dời khẩn cấp… Tổng thiệt hại về kinh tế là gần 39.945 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị |
Trước tình hình đó, toàn ngành Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức công tác ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng điểm trong suốt mùa mưa lũ.
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - cho biết: Năm 2020, các đơn vị ngành Công Thương đã chủ động xây dựng, sửa đổi, bổ sung phương án PCTT phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, qua đó chủ động hơn trong việc ứng phó và làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Duy trì nghiêm chế độ trực 24/24h khi có bão, thường xuyên nắm bắt tính hình để chủ động việc huy động lực lượng, phương tiện ứng phó nhanh, hiệu quả và thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định.
Các cơ quan, đơn vị luôn chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, công điện của Chính phủ, Ban chỉ đạo trung ương về PCTT và Bộ Công Thương thường xuyên kiểm tra, rà soát bổ sung hoàn chỉnh phương án xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống.
Ông Tô Xuân Bảo – Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp |
Theo ông Bảo, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong công tác PCTT&TKCN ngành Công Thương trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại. Cụ thể, việc cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hàng ngày trong mùa mưa lũ của một số nhà máy thủy điện chưa được thường xuyên kịp thời, một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Công tác cuẩn bị, dự phòng các vật tư, thiết bị phục vụ công tác PCTT của một số đơn vị chưa thực sự được coi trọng và đảm bảo tính chủ động….
“Với những chỉ đạo, quan tâm của các cấp các ngành, lực lượng PCTT&TKCN đã phát huy vai trò nòng cốt, ứng phó kịp thời; lực lượng xung kích ở các cơ sở từng bước được củng cố, đào tạo, tập huấn. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai có nhiều tiến bộ, chất lượng dự báo được cải thiện; hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn tiếp tục được đầu tư. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được chú trọng; cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai được quan tâm đầu tư; công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến phù hợp với thực tế tại từng khu vực”, Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.
Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong công tác PCTT&TKCN
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Năm 2020 bão, lũ đã làm nghiêng, gãy đổ, hư hỏng hàng trăm cột điện hạ thế, gây mất điện diện rộng trên toàn tỉnh, làm sạt lở ở thủy điện Rào Trăng, thủy điện Hương Điền, xuất lộ nước từ đường hầm dẫn nước thủy điện A Lưới... Trước tình hình đó Bộ Công Thương đã kịp thời cử các đoàn vào Thừa Thiên Huế hỗ trợ khắc phục cũng như đánh giá, xử lý các sự cố.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế |
Theo ông Phương, dự báo năm 2021, số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông vẫn khá nhiều, với tinh thần không chủ quan, ngay từ đầu tháng 4/2021, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN; tập trung tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác chủ động phòng, chống thiên tai, chuẩn bị tốt các phương án tại chỗ.
“Về lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu”, ông Phương nhấn mạnh.
Đại diện Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết: Việc phối hợp với địa phương trong công tác PCTT có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo cho công trình hạ du. Những năm qua công ty luôn quan tâm đến vấn đề này. Công ty đã xây dựng Quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hòa Bình và tổ chức thực hiện nghiêm.
"Để thực hiện công tác PCTT cần có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, chủ động đề ra các phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra tình huống và thực hiện đúng phương châm 4 tại chỗ", đại diện Công ty Thủy điện Hòa Bình chia sẻ.
Trước diễn biến phức tạp và ngày càng cực đoan của thiên tai, Thứ trưởng Hưng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 42/NQ-TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN, đặc biệt là Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 6/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công tác PCTT&TKCN năm 2021, Công văn số 2228/BCT-ATMT ngày 22/4/2021 của Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh có công trình thủy điện về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa thủy điện…
Trong năm 2021, các đơn vị trong ngành Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tại địa phương trong công tác phòng chống và ứng phó thiên tai. Rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch PCTT&TKCN phù hợp với đặc thù hoạt động của từng đơn vị và các loại hình thiên tai có thể xảy ra trong năm.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các đơn vị, các địa phương để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai theo phương châm chỉ đạo “4 tại chỗ”. Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và kết cấu hạ tầng của các địa phương. Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp về các loại hình thiên tai, cách ứng phó khắc phục khi thiên tai xảy ra.