Ông Hà Duy Hưng (bên phải) Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh |
Xin ông cho biết ngành công nghiệp giày da Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu trên “bản đồ” công nghiệp da giày thế giới?
Trước hết, tôi xin khẳng định rằng ngành da giày Việt Nam hiện đang là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia. Xuất khẩu giày dép đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba, sau điện tử và dệt may. Thực tế, dù giá trị gia tăng của ngành da giày chưa được như kỳ vọng song với trên 800 doanh nghiệp (DN), 1 triệu lao động, ngành đã giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn lao động phổ thông, trong đó lao động nữ chiếm tới 85%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong các nước sản xuất giày dép hàng đầu thế giới, xuất khẩu tăng 21,9%/năm. Hiện Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về giá trị, sau Trung Quốc và Italia. Giày dép Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, sản phẩm túi xách hiện đã có mặt ở trên 40 thị trường...
Ngành da giày sẽ được hưởng lợi gì từ các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, thưa ông?
Khi Việt Nam tham gia vào TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5- 57,4%, hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, giúp DN tăng trưởng xuất khẩu. TPP sẽ đem đến cho Việt Nam cơ hội “không thể bỏ lỡ” để kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế Mỹ và các nước thành viên TPP, đem lại cho Việt Nam cơ hội trở thành một trong ba trung tâm dệt may, da giày lớn nhất thế giới. Đồng thời, nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được hình thành để đáp ứng nhu cầu rút ngắn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông, để tận dụng tốt những lợi thế đó, các DN trong ngành da giày cần phải làm gì?
Có thể khẳng định rằng, khi các FTA mà Việt Nam ký kết có hiệu lực, ngành da giày tăng trưởng thêm khoảng 15- 20% mỗi năm, qua đó, đến năm 2020 có thể đạt trên 20 tỷ USD. Tuy nhiên, để được hưởng lợi ích của các FTA mang lại, các DN da giày và túi xách đang đứng trước nhiều thách thức do những cam kết về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam phải thực hiện, trong khi ngành da giày trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 50 nguyên vật liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, các DN da giày cần đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển thị trường, thiết kế mẫu mã, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Với tình hình hiện nay Hội Da giày TP.Hồ Chí Minh đã đóng vai trò như thế nào trong việc giúp các DN hội viên nắm bắt và tận dụng cơ hội?
Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã liên tục mở các lớp đào tạo thiết kế, may mũ giày; tổ chức các chuyến đi khảo sát thị trường và tham gia các hội chợ tại Úc, Trung Quốc, Đức; hỗ trợ DN tham gia và tham quan hội trợ triển lãm trong và ngoài nước… Các hoạt động này nhằm giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường...
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các lớp thiết kế, nâng cao cũng như các hội thảo chuyên ngành cho DN da giày trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh; có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển thị trường nội địa làm thế mạnh của ngành. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức cho 10- 15 DN tham gia các triển lãm da giày lớn trên thế giới.
Để được hưởng lợi ích của các FTA mang lại, các DN da giày và túi xách đang đứng trước nhiều thách thức do những cam kết về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam phải thực hiện. |