Ngành dịch vụ TP. Hồ Chí Minh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững
Đây là nhận định chung của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế tại Hội thảo tham vấn ý kiến lần 1 “Phát triển ngành dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, diễn ra sáng 25/7 tại TP. Hồ Chí Minh.
Đại biểu tham dự hội thảo |
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh có vị trí hết sức quan trọng, là trung tâm kinh tế - thương mại - du lịch và dịch vụ lớn của cả nước và địa điểm trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa tốt nhất khu vực, là nơi tiếp giáp Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, tiếp giáp cảng biển… đó là những điều kiện thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh nói chung và ngành dịch vụ thành phố nói riêng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP. Hồ Chí Minh xác định ngành dịch vụ là ngành có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của kinh tế Thành phố.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ UBND TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh). |
Vai trò quan trọng đó được thể hiện qua cơ cấu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể trong hơn 10 năm qua, ngành dịch vụ luôn có tỷ trọng đóng góp cao trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn. Trong khu vực dịch vụ, chỉ tính riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu, thì tỷ trọng năm 2023 chiếm 59,6% trong GRDP, chiếm 90% trong khu vực dịch vụ.
Có thể thấy, ngành dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh có những bước tiến mang tính đột phá, liên tục tăng dần qua từng năm, khẳng định quá trình tăng tốc mới và có tỷ lệ đóng góp cao nhất vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng, qua đánh giá chung, sự phát triển của ngành dịch vụ còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững và vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm như: Hạn chế về nguồn vốn đầu tư; về cơ sở hạ tầng, tính kết nối trong nội đô và giữa Thành phố với các khu vực lân cận. Ngoài ra, quá trình chuyển dịch sang các ngành dịch vụ giá trị cao còn chậm so với khu vực; hạ tầng về giao thông, logistics, hệ thống kho bãi chậm phát triển; năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ còn hạn chế...
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trình bày báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của các ngành dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2023; xu hướng phát triển các ngành dịch vụ và gợi ý cho TP. Hồ Chí Minh và định hướng xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực tại hội thảo (Ảnh: Thanh Minh). |
Để hiện thực và cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31NQ/TW của Bộ Chính trị; TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện và xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó xác định nhiệm vụ “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” là yêu cầu cấp thiết.
“Việc xây dựng Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp thành phố tiếp tục có các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển Thành phố nói chung và ngành dịch vụ nói riêng”, ông Nguyễn Văn Dũng nói.
Ông Bùi Đào Thái Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Roland Berger Việt Nam, chia sẻ về xu hướng phát triển các ngành dịch vụ, mô hình các Trung tâm dịch vụ trên thế giới và các đề xuất, khuyến nghị đối với TP. Hồ Chí Minh về phát triển ngành dịch vụ tại hội thảo (Ảnh: Thanh Minh). |
Với mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế cùng tham gia góp ý, đề xuất cho sự phát triển ngành dịch vụ thành phố, một ngành có đóng góp vô cùng quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. “Thành phố kỳ vọng qua hội thảo hôm nay, những ý kiến góp ý, đề xuất của quý vị sẽ là cơ sở quan trọng để xác định được những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính tổng thể phù hợp với định hướng cũng như bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của ngành dịch vụ”, Phó Chủ UBND TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.
Tại hội thảo các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận, đi sâu phân tích, đánh giá, làm rõ kết quả đóng góp của các ngành dịch vụ TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010- 2030 cũng như chỉ ra những cơ hội, thách thức và những yêu cầu đặt ra đối với ngành dịch vụ Thành phố trong giai đoạn tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Trưởng phòng Quản lý khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ, trình bày tham luận: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực để phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh trong tương lai tại hội thảo (Ảnh: Thanh Minh). |
Cùng với đó đánh giá các xu hướng phát triển mới của ngành dịch vụ TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới gắn với các xu thế phát triển của thế giới như ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển các ngành dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành...
Đặc biệt, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng cũng như nhận diện những xu thế phát triển trong tương lai các đại biểu đã gợi mở, đề xuất cho Thành phố định hướng phát triển các ngành dịch vụ trong giai đoạn tới. Đồng thời đề xuất cụ thể các tiêu chí để xác định các ngành dịch vụ trong 9 ngành và những ngành mới phát sinh mang tính hiện đại, có giá trị gia tăng cao để TP. Hồ Chí Minh tập trung đầu tư phát triển, từ đó phấn đấu mục tiêu trở thành “Trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số” đến năm 2030.
Ông Nguyễn Đức Dũng Phó Tổng giám đốc - Công ty Cổ phần Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, chia sẻ về thị trường giao dịch phái sinh hàng hóa - Trụ cột quan trọng Trung tâm tài chính thế giới TP. Hồ Chí Minh tại hội thảo (Ảnh: Thanh Minh). |
“Sau hội thảo hôm nay, Sở Công Thương tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện Đề án và báo cáo UBND Thành phố kết quả bước đầu của Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng đề nghị.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Tổng hợp nội dung Hội thảo tham vấn ý kiến lần 1 “Phát triển ngành dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Sở Công Thương đã tiếp nhận được 35 bài tham luận rất có giá trị của các cơ quan, đơn vị, cá nhân quan tâm. Đồng thời, ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu của quý diễn giả là chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị đã đầu tư nghiên cứu để chia sẻ những thông tin hết sức quý giá, đóng góp cho thành công của hội thảo. Đây còn là những chất liệu quan trọng, cần thiết để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao” trong giai đoạn tiếp theo. |