Ngành điện khu vực Trung- Nam bộ: Chuẩn bị ứng phó với bão số 7
Chấp hành chỉ thị của EVN, sáng nay (5/10/2012), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã tổ chức cuộc họp triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 7. Các đơn vị thành viên, các đơn vị có quản lý vận hành và đầu tư xây dựng các công trình nhà máy thủy điện, lưới điện khẳng định đã kiểm tra, diễn tập và sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống lụt bão; phân công trực lãnh đạo và xử lý sự cố; kiểm tra các điểm xung yếu trên lưới điện, trạm điện, các kho bãi và văn phòng của đơn vị; sẵn sàng vật tư thiết bị và lương thực thực phẩm tại các vùng có khả năng bị chia cắt; thành lập bộ phận xung kích sẵn sàng khắc phục hậu quả bão lụt và hỗ trợ các đơn vị bạn khi có lệnh điều động của EVNCPC.
Thủy điện: An toàn cho đập là mục tiêu hàng đầu
Tại các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên, không khí chuẩn bị phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 7 đang rất khẩn trương. Một số nhà máy đã bắt đầu tiến hành xả lũ để đảm bảo an toàn cho đập.
Trước đó, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, thành lập các đội xung kích phòng chống lụt bão với quân số trên 100 người từ văn phòng công ty đến nhà máy, khu tái định cư và tại công trường để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi cần thiết.
Ngoài các thông báo và thủ tục còi hụ theo quy định ngay từ mùa lũ năm 2011, Công ty Thủy điện Sông Ba Hạ đã đưa 5 trạm cảnh báo bằng loa đặt tại các xã, thị trấn Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Sơn Hà, Củng Sơn vào hoạt động.
Công ty Thủy điện A Vương đã trang bị hàng loạt radio, loa cầm tay và áo phao cho các thôn, xóm thuộc khu vực hạ lưu. Theo kế hoạch, trước khi tiến hành xả lũ, Thủy điện A Vương sẽ gửi thông báo bằng văn bản, fax, điện thoại, còi báo hiệu về mức xả, thời gian xả, thông tin về thủy văn hồ chứa, dự báo về mức xả trong thời gian sớm nhất, nhằm cảnh báo kịp thời đến các dân cư sinh sống hai bên bờ sông khu vực hạ du hồ chứa. Đồng thời, dựng hàng loạt cột mốc báo ngập lụt cho 12 xã vùng hạ lưu trên hệ thống thủy điện bậc thang Vu Gia - Thu Bồn để cảnh báo và phòng tránh lũ.
Truyền tải: Thực hiện nghiêm túc “Bốn tại chỗ”
Được giao quản lý vận hành 8 trạm biến áp 220 - 500 kV có tổng dung lượng 3.028 MVA, gần 2000 km đường dây 220 - 500 kV, Công ty truyền tải điện 2 (PTC2) đã tập trung khảo sát, đánh giá tình trạng móng cột, khả năng ổn định của nền đất khu vực để có những biện pháp phòng chống như xây kè móng, làm mương thoát nước, nắn dòng chảy không để các dòng nước chảy trực tiếp vào khu vực móng cột, trong đó ưu tiên hàng đầu đến các vị trí móng cột trên núi, đồi và các khu vực có dòng nước chảy qua. Mục đích nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở móng cột, làm nghiêng, đổ cột. Phương châm “4 tại chỗ” cũng được các đơn vị PTC2 đặc biệt chú trọng nhằm xử lý các sự cố khi bão lụt xảy ra. Bên cạnh việc tập kết đầy đủ các loại vật tư, phương tiện dự phòng ở mỗi đơn vị, Công ty còn có kế hoạch điều động ứng cứu lẫn nhau giữa các đơn vị liền kề. Theo địa hình, Công ty phân chia thành 3 nhóm thành viên phối hợp hỗ trợ lẫn nhau gồm: Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế; Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi; Kon Tum – Gia Lai. Tại mỗi địa phương, tùy khu vực cụ thể, mỗi đơn vị thành viên lại có biện pháp phối hợp với những lực lượng cứu hộ khác đảm bảo cung cấp liên tục dòng điện trong mưa bão.
Ngọc Loan