CôngThương - Tình trạng này đã gây băn khoan trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch- cho biết, các vụ gây ra đối với khách du lịch không hoàn toàn do các doanh nghiệp, cá nhân ngành du lịch gây ra mà thực chất là do nhiều thành phần, đối tượng trong xã hội gây nên, trong đó, ngành du lịch là nạn nhân gánh chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Để chấn chỉnh tình trạng này, các địa phương, trung tâm du lịch đã cam kết sẽ quyết liệt giải quyết dứt điểm. Như tỉnh Thanh Hóa, một trong những tỉnh hiện đang bị báo chí phê phán nhiều nhất về tình trạng môi trường du lịch lộn xộn tới mức không thể chấp nhận được ở Sầm Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt cho biết, sẽ chấn chỉnh lại ngay hoạt động du lịch tại Sầm Sơn và giữ gìn hình ảnh ở những nơi khác trong tỉnh. TP.HCM cũng đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng, quy định rõ bộ phận trực tiếp tiếp nhận thông tin từ du khách, chuyển đến cơ quan nào, đảm bảo thuận lợi nhất cho du khách.
Ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, để giải quyết được vấn nạn này cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cùng ngành công an và giao thông, chứ không thể phó mặc cho ngành du lịch.
Tại cuộc họp giao ban toàn quốc về du lịch mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo toàn ngành du lịch phải kiên quyết vào cuộc, giải quyết triệt để tình trạng chèo kéo, chặt chém, lừa đảo khách tại các trung tâm du lịch trong thời gian tới. Bộ sẽ thành lập các tổ, nhóm công tác liên ngành tại các trung tâm du lịch để kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền tại một số “điểm nóng” như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu và đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các vụ việc.