Ngành dược nỗ lực chuyển từ thế cung ứng thuốc đầy đủ sang chủ động, kịp thời
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trước đây tiền thuốc bình quân đầu người hàng năm của một người Việt chưa đến 5 USD thì đến nay đã tăng lên 70 USD/người/năm và ngành dược cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước.
Ngành dược cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước |
Đáng nói, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp nhất khu vực. Thuốc không đạt chất lượng các năm gần đây duy trì dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường. Trong khi những năm 1990, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường chiếm đến hơn 10%.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, ngành dược Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Bộ Y tế đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một số văn bản quan trọng liên quan đến lĩnh vực dược, như: Trình Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 23/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2018/TT- của Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc.
Theo Bộ Y tế, đây là những văn bản quan trọng, thể hiện định hướng, mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…
Riêng với Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đã bổ sung, điều chỉnh một số chỉ tiêu để đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển ngành dược trong giai đoạn tới như: Chỉ tiêu về phát triển sản xuất gia công/nhượng quyền các thuốc biệt dược gốc; quy hoạch phát triển dược liệu; nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về dược; phát triển dược lâm sàng; nâng cao tiêu chuẩn GPS trong sản xuất thuốc về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực /chu-de/duoc-pham.topic.
Chiến lược cũng tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược giai đoạn tới, đó là nâng quan điểm từ cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc thành cung ứng chủ động, kịp thời và bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc…
Phấn đấu phát triển công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO; xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số, thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh…
Điều này nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh), dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.
Người dân cần được tiếp cận thuốc chất lượng đầy đủ, kịp thời
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, giới chuyên gia cũng chia sẻ: Thuốc sản xuất trong nước chưa có tính cạnh tranh cao. Trên thị trường trong nước có hơn 800 dược chất lưu hành song số lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa quá 50%. Đáng nói, gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu; tỷ lệ thuốc được đánh giá tương đương sinh học chỉ khoảng 10%... Vì vậy, một trong những mục tiêu phát triển ngành dược thời gian tới là chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đưa ra 10 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với 23 chỉ tiêu, bao gồm tất cả các lĩnh vực từ nghiên cứu phát triển thuốc sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn… trên cơ sở tiếp tục triển khai những kết quả đã đạt được theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 68/2014/QĐ-TTg.
Cụ thể, Chiến lược đã đề ra 5 nội dung chính, đó là: Đảm bảo cung ứng chủ động, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Bên cạnh đó, phát triển ngành dược Việt Nam bền vững, từng bước tiến tới hiện đại, chú trọng bảo đảm an ninh thuốc; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược, dược liệu sản xuất trong nước, gia tăng giá trị xuất khẩu và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển ngành dược Việt Nam.
Ngoài ra, phát triển hệ thống sản xuất, phân phối, cung ứng thuốc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và được quản lý chặt chẽ; nâng cao hiệu quả cung ứng, phân phối thuốc của doanh nghiệp trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.
Hơn nữa, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả bằng hệ thống các biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng thúc đẩy, nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động dược lâm sàng, cảnh giác dược và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số về dược.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, mục tiêu lớn nhất của việc hoàn thiện thể chế nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép lưu hành thuốc, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc để người dân tiếp cận thuốc một cách nhanh nhất, giá cá hợp lý, đảm bảo bảo chất lượng.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sở Y tế nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành dược đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời triển khai phổ biến chủ trương, quy định mới ban hành trong lĩnh vực dược tới đối tượng có liên quan trên địa bàn.
Các cơ sở khám chữa bệnh, viện/trung tâm kiểm nghiệm, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đăng ký thuốc chủ động và nâng cao trách nhiệm trong nghiên cứu, triển khai chiến lược và các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của dược lâm sàng, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý trên người bệnh…
Đối với Cục Quản lý dược, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cần phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy tiềm lực của dược liệu Việt Nam; tập trung ưu tiên cùng các bộ, ngành, UBND tỉnh Thái Bình và UBND TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng đưa 2 khu công nghiệp dược sinh học vào hoạt động...
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Trong đó, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. |