CôngThương - Khác với tình trạng im ắng của năm 2009, các nhà đầu tư đã làm “nóng” ngành giấy trong năm 2010 với số vốn đổ vào lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, cả 8 dự án mới với tổng công su ất 430.000 tấn/năm được phân bổ vào 3 mảng chính của thị trường là giấy công nghiệp, giấy in viết và giấy tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nhiều không đồng nghĩa với việc không có thách thức. Bà Nguyễn Bạch Như Lan - Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và Dịch vụ Môi trường Trái Đất Xanh (TP.HCM) cho biết, sản xuất giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm nguồn nước nhất. Ngoại trừ doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng nguyên liệu chất lượng; còn lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hay sử dụng nguồn giấy phế liệu để sản xuất. Công nghệ sản xuất giấy ở Việt Nam còn khá lạc hậu, nhiều doanh nghiệp không có đủ kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại. Chẳng hạn, để sản xuất ra 1 tấn giấy thành phẩm, các nhà máy thường cần từ 30-100 m3 nước, trong khi mức sử dụng ở nhà máy hiện đại là 7-15 m3 nước/tấn giấy. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn nước sạch, tăng chi phí xử lý nước thải mà còn góp phần đưa ra sông, rạch một lượng nước thải khổng lồ mỗi ngày.
Ông Bảo - Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết so với đầu năm 2010, chi phí sản xuất giấy đã tăng khoảng 30% (tùy chủng loại), còn giá bán sản phẩm mới tăng từ 14-20% và vẫn thấp hơn giá bán giấy nhập khẩu. Do đó, dù đã tăng giá bán nhưng số nhà sản xuất có lãi nhờ chủ động nguyên liệu là rất ít, phần đông là hòa vốn hoặc lỗ, thậm chí phải ngừng sản xuất. Một nguyên nhân nữa gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp giấy là lộ trình cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vào năm 2012, Việt Nam sẽ giảm thuế giấy nhập khẩu xuống còn 20%. Nhưng từ tháng 9/2008, Bộ Tài chính đã rút ngắn lộ trình và áp dụng luôn mức thuế nhập này. Điều này đã mở đường cho các nước sản xuất giấy lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật sớm có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực để cạnh tranh. Ông Ponthep Tuntavadcharom, Giám đốc Marketing Công ty Vina Kraft, cho rằng, tình trạng cung vượt cầu ở một số nước thời gian qua có thể đưa Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm dư thừa với giá rẻ gấp nhiều lần so với các sản phẩm giấy nội địa, từ đó gây ra sự cạnh tranh giá không lành mạnh, làm xáo trộn thị trường.
Ngoài ra, đa phần các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đều cho rằng, những rào cản chính đối với sự phát triển của ngành là vốn đầu tư và nhân lực chất lượng cao. “Lãi suất vay vốn dao động từ 15-18%/năm cộng với 10% phí môi trường là những điều tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của chúng tôi”, ông Vị thuộc SPC chia sẻ. Vì vậy, một chính sách rõ ràng và minh bạch, cụ thể là quy hoạch ổn định của ngành giấy ít nhất trên 10 năm sẽ là động lực lớn giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể phát triển. Tuy nhiên, vượt trên những rào cản này, với chỉ số tiêu thụ giấy 25 kg/người/năm, chỉ bằng 1/6 của Singapore thì tiềm năng phát triển của ngành giấy Việt Nam còn khá lớn. (