Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Đông Nam bộ với "Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới" TP. Hồ Chí Minh ưu tiên hợp tác các lĩnh vực lợi thế với các tỉnh Đông Nam bộ |
Huy động vốn vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng thấp
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian vừa qua ngành ngân hàng đã tích cực triển khai một số giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ |
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp. Tại khu vực Đông Nam bộ, đến hết quý 1/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 1,24%). Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 2,61%).
Riêng tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,67 triệu tỉ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022, chiếm 21,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,12%, trong đó, dư nợ bất độnng sản khu vực Đông Nam bộ gần 1,1 triệu tỉ đồng, giảm 1,74% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 135 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ (chiếm 70,8%). Cơ cấu tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của vùng khá tương đồng với cơ cấu tín dụng của toàn quốc.
Mặc dù là khu vực kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước, tổng GRDP năm 2022 của khu vực chiếm 30,8% cả nước, nhưng tăng trưởng kinh tế khu vực đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, một số tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp. Cụ thể như TP. Hồ Chí Minh tăng 0,7%%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%, hoặc tăng trưởng âm như Bà Rịa -0 Vũng Tàu giảm 4,75%.
Đông Nam bộ là vùng kinh tế có số lượng doanh nghiệp cao nhất cả nước (chiếm trên 40%), do đó việc tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực vốn, tín dụng ngân hàng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh là mục tiêu của các địa phương và ngành ngân hàng hiện nay để các doanh nghiệp kịp thời bắt được giai đoạn phục hồi, vượt qua khó khăn chung do tác động của tình hình kinh tế thế giới trong thời gian qua.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Tại khu vực Đông Nam Bộ, mặt bằng lãi suất chung trong quý 1/2023 được duy trì ổn định và có xu hướng giảm so với cuối năm 2022; trong đó, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn. Với mức lãi giảm đã phần nào giải quyết khó khăn chi phí vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục Chỉ đạo các Tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho các dự án hạ tầng giao thông để tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam. Theo đó, đến 31/3/2023, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông toàn quốc là 92.015 tỷ đồng.
Để tháo gỡ những khó khăn về thị trường tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, chính sách tài khóa cần mở rộng để hỗ trợ cải thiện thanh khoản cho nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, cần điều tiết giảm lượng tồn ngân quỹ nhà nước, tăng lượng tiền đưa ra lưu thông trong nền kinh tế.
Về chính sách thương mại, có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu nhằm tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng; thu hút FDI, FII, góp phần thu hút được các dòng vốn ngoại tệ về nước, từ đó làm tăng lượng tiền trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, có các giải pháp khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào cầu nước ngoài để tăng tính độc lập tự chủ nền kinh tế.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho thị trường bất động sản, cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo ngân hàng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ. Đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Tính đến nay, thực hiện chỉ đạo của các NHTM đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với các nhóm khách hàng của ngân hàng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường như: BIDV triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm, Agribank triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1-1,5% thông thường, với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, VCB dành 100.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh với lãi suất từ 7,5%-8,8%/năm….
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trong hoạt động ngân hàng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm, đầu tư trái phiếu của các Tổ chức tín dụng để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các Tổ chức tín dụng cũng như người dân, doanh nghiệp.
Từ phía các địa phương cần triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của từng tỉnh, thành phố và phù hợp với định hướng phát triển địa phương trong từng thời kỳ. Các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu công của vùng đạt thấp hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh giải ngân các công trình hạ tầng đô thị, dự án giao thông trọng điểm.