Bước vào AEC, các DN ngành nhựa phải luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức. Ảnh: DANH LAM |
Tự thay đổi sản xuất
Những năm gần đây, nhựa gia dụng Thái Lan tràn ngập vào nước ta và nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá thành tuy đắt hơn nhưng được nhận định là có chất lượng tốt hơn so với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Chính vì thế, các sản phẩm nhựa của DN nhựa Việt Nam gần như bị lui vào phân khúc sản phẩm trung bình khá trở xuống.
Nói về khó khăn của DN, ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Anh Tú cho hay, DN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực mới và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất mới do ít nhận được hỗ trợ về vay vốn hay chuyển giao công nghệ. Chính vì thế, DN không chỉ phải đối mặt với sản phẩm nhựa đến từ các nước trong khối ASEAN mà còn có sản phẩm nhựa đến từ Trung Quốc.
Đây là thực tế mà nhiều DN nhựa đang gặp phải, do đó, các DN buộc phải lựa chọn, hoặc là trở thành xưởng gia công sản phẩm cho các DN lớn hoặc là tìm ra con đường kinh doanh để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh.
Nói về kế hoạch của DN, đại diện một DN sản xuất nhựa tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ khi có thông tin về việc thành lập AEC từ 3 năm trước, DN đã tích cực đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, khó khăn nhất của các DN nhựa Việt Nam là nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, vì thế, DN đã chấp nhận tốn nhiều chi phí hơn để NK nguyên liệu cũng như kiểm định chất lượng một cách chặt chẽ.
Chính vì có được những định hướng như trên, nhiều DN ngành nhựa khá tự tin về tương lai của ngành nhựa Việt Nam và cho rằng, nhựa Thái Lan có chất lượng tốt hơn hay không thì chưa thể nắm chắc, tuy nhiên, xét về giá thành, nhựa Việt Nam sẽ chiếm ưu thế. Vì thế, nếu các DN Việt nâng cao được thiết bị dây chuyền máy móc, đầu tư thiết kế mẫu mã sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị, mở rộng kênh phân phối, chắc chắn sẽ đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng đến từ các nước ASEAN, thậm chí là các quốc gia khác trên thế giới.
Bị thâu tóm
Phân tích về những lợi thế của ngành nhựa Việt Nam, theo ông Nguyễn Việt Cường, Phụ trách bộ phận Marketing, Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong, khác với nhựa gia dụng, với lĩnh vực sản xuất ống nhựa, nhựa công nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm 10-15%, thậm chí nhiều trường hợp lên đến 25% tổng chi phí. Chính vì thế, rất ít DN NK sản phẩm nhựa công nghiệp về Việt Nam. Bên cạnh đó, với bề dày kinh nghiệm sản xuất và khả năng chiếm lĩnh thị trường như nhựa Tiền Phong (hiện thị trường miền Bắc đang chiếm hơn 60%), chất lượng tương đương quốc tế, các sản phẩm nhựa cùng loại nếu vào được Việt Nam cũng phải mất thời gian dài để cạnh tranh.
Với những nguyên nhân như trên nên trong những năm gần đây, có rất ít DN sang Việt Nam xây dựng nhà máy, tiêu biểu nhất chỉ có thể kể đến Công ty Srithai Superware (Thái Lan) với khá nhiều dự án sản xuất tại Việt Nam, còn lại đa phần là những thương vụ mua bán- sáp nhập (M&A) với quy mô lớn. Trong 2 năm 2012-2013, The Nawaplastic Industries (Saraburi), công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan đã liên tục thu gom cổ phiếu của 2 DN nhựa hàng đầu Việt Nam tại 2 miền Nam- Bắc là Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần lần lượt là 20,4% và 23,84%.
Ngoài ra, Công ty Bao bì Nhựa Công ty Nhựa TC Flexible Packaging cũng thuộc SCG vừa hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần của Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD). Không những thế, “đại gia” ngành nhựa Thái Lan này còn đang nắm giữ cổ phần tại 4 DN nhựa khác tại Việt Nam là: Công ty TNHH Liên doanh Việt- Thái Plastchem, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty TNHH Chemtech, Công ty TNHH Vật liệu nhựa Minh Thái.
Nói về động thái này, ông Nguyễn Việt Cường cho rằng, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, các DN Thái Lan sẽ tiến hành đầu tư nhiều hơn theo phương thức M&A để đi tắt, đón đầu những lợi thế từ AEC. Do đó, các DN lớn của Việt Nam nếu không cẩn thận sẽ về tay người Thái, chỉ còn lại những DN vừa và nhỏ chuyên làm hàng gia công và khó có cơ hội vượt lên để khẳng định thương hiệu.
Có thể nói, bước vào hội nhập là các DN phải luôn sẵn sàng ứng phó với cạnh tranh. Điều quan trọng là DN lựa chọn hướng đi như thế nào cho phù hợp với thực tế và hoàn cảnh DN. Với một ngành còn khá nhiều non yếu như ngành nhựa, bên cạnh tự nỗ lực bản thân DN phải chủ động, tích cực đổi mới mà Nhà nước cũng cần vào cuộc để hỗ trợ DN nhiều hơn nữa.