Ngành Tư pháp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống
Tin hoạt động 24/08/2015 19:00
Ngành Tư pháp đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào, cũng như toàn thế giới về việc thành lập nội các thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Kể từ đó tới nay, ngành Tư pháp đã bám sát thực tiễn, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng ngành Tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Chưa tham mưu được một cách đầy đủ cho Chính phủ và Quốc hội giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật còn phức tạp, nhiều tầng nấc, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chậm đi vào cuộc sống; hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật chưa cao...
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với mục tiêu sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, pháp quyền. Mối quan hệ hữu cơ giữa việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với cải cách hành chính tư pháp chính là biểu hiện cụ thể của sự đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị theo đường lối mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.
Theo đó, cùng với việc hoàn thiện pháp luật, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật... Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp. Tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững công tác thi hành án dân sự, hành chính. Đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công, nâng cao chất lượng hoạt động của các luật sư, công chứng viên, thừa phát lại... đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thành tựu và bề dày truyền thống 70 năm của ngành Tư pháp.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ mới, ngành Tư pháp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: Phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tập trung sức lực, trí tuệ, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện, sâu sắc về chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ, của ngành Tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của cách mạng trong giai đoạn mới; tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy, kiện toàn các hệ thống tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy cơ quan tư pháp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, có các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tư pháp...