Thông tin được biết, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải…
Trước đó, vào ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao...
Đồng thời, đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao…
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Theo quy hoạch được duyệt, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình được định hình theo cấu trúc dựa trên bộ khung: 01 trung tâm - 03 hành lang kinh tế - 04 không gian phát triển.
- Một trung tâm:
Thành phố Thái Bình, với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; tập trung các hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, đầu mối trong liên kết các dịch vụ với các tỉnh vùng ĐBSH và cả nước.
- Ba hành lang kinh tế:
(1) Hành lang kinh tế ven biển phía Đông (với 02 trung tâm là đô thị Tiền Hải và đô thị Thái Thụy với vai trò đô thị đối trọng với thành phố Thái Bình) kết nối trục Đông Bắc - Tây Nam;
(2) Hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận: tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam và hướng về thành phố Hà Nội;
(3) Hành lang Đông Bắc - Tây Nam kết nối từ các tỉnh phía Bắc Trung bộ về thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.
- Bốn không gian gian phát triển:
(1) Không gian kinh tế - xã hội khu vực trung tâm (khu vực thành phố Thái Bình và phụ cận).
(2) Không gian kinh tế - xã hội ven biển (gồm 2 huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ).
(3) Không gian kinh tế - xã hội khu vực ngoại biên (gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ và phía Bắc huyện Đông Hưng).
(4) Không gian kinh tế - xã hội phía Nam (gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư).
Liên kết các không gian phát triển thông qua 03 hành lang kinh tế.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra nhiều không gian phát triển mới |
Các trụ cột và đột phá phát triển
- Trụ cột tăng trưởng chính gồm:
(1) Trụ cột 1: Phát huy thế mạnh của tỉnh có truyền thống về nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
(2) Trụ cột 2: Xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất năng lượng hàng đầu vùng ĐBSH. Phát triển dịch vụ hiện đại, tạo điều kiện hỗ trợ các lĩnh vực khác, chú trọng phát triển dịch vụ logictics, phân phối hàng hóa và du lịch..
(3) Trụ cột 3: Xây dựng các khu đô thị xanh sạch đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân.
(4) Trụ cột 4: Phát triển toàn diện Khu kinh tế Thái Bình trở thành hạt nhân, động lực phát triển kinh tế chính của tỉnh. Chuẩn bị điều kiện để mở rộng không gian phát triển hướng biển.
- Đột phá phát triển: Tiếp tục thực hiện các đột phá phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng thời, tập trung vào 03 khâu then chốt sau:
(1) Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ.
(2) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (công nghệ cao); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
(3) Phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá trên một số lĩnh vực: Cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển...
Về không gian kinh tế - xã hội và các hành lang kinh tế
Phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội được định hình theo cấu trúc dựa trên bộ khung: Một trung tâm là thành phố Thái Bình; một hành lang kinh tế phía Đông (với hai trung tâm là đô thị Tiền Hải, đô thị Thái Thụy đóng vai trò đô thị đối trọng với thành phố Thái Bình) kết nối trục Đông Bắc - Tây Nam; một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam) và hướng về thành phố Hà Nội và một hành lang Đông Bắc - Tây Nam kết nối từ các tỉnh phía Bắc Trung bộ về thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.
Không gian hoạt động kinh tế - xã hội tổ chức thành 04 khu vực chính:
(1) Không gian kinh tế - xã hội khu vực trung tâm (khu vực thành phố Thái Bình và phụ cận).
(2) Không gian kinh tế - xã hội ven biển (gồm 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy).
(3) Không gian kinh tế - xã hội khu vực ngoại biên (gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ và phía Bắc huyện Đông Hưng).
(4) Không gian kinh tế - xã hội phía Nam (gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư).
Liên kết các không gian hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua 03 hành lang kinh tế gồm:
(1) Hành lang kinh tế ven biển phía Đông.
(2) Hành lang kinh tế Đông Bắc - Tây Nam.
(3) Hành lang kinh tế Tây Bắc gắn với đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô.
Phương hướng phát triển các ngành quan trọng
- Công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến
Thái Bình phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá của tỉnh như: năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản…
Tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.
- Nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh
Nông nghiệp vẫn xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng.
Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
- Dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành sản xuất
Xây dựng Thái Bình trở thành địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Khuyến khích đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; phát triển thương mại điện tử, logistics…
Đẩy mạnh hình thành và xây dựng hạ tầng dịch vụ tại các khu du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ. Phát triển du lịch thông minh, bền vững gắn với phát huy giá trị văn hóa, tự nhiên đặc trưng của địa phương để đưa Thái Bình trở thành trung tâm kết nối về du lịch xanh, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.
Về phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ theo định hướng:
- Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; tiếp tục thành lập mới và phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.
- Phát triển 67 cụm công nghiệp tại các huyện trên địa bàn tỉnh; hình thành một số cụm công nghiệp chuyên ngành và cụm công nghiệp sản xuất theo hướng liên kết ngành, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh.
Đối với phương án phát triển giao thông
- Trên địa bàn tỉnh hình thành 03 tuyến cao tốc: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); Đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và Tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế với thành phố Thái Bình và vùng kinh tế phía Tây Bắc thủ đô.
- Các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh: QL10, QL37, QL37B, QL39, QL39B...
- Đầu tư bến cảng (kho nổi) hàng lỏng/ khí tại khu bến Trà Lý để tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn phía ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình.
- Sau năm 2030, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung 01 sân bay chuyên dụng ven biển vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng biên giới biển.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20250 cũng xác định 06 nhóm giải pháp thực hiện:
Nhóm giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; Nhóm giải pháp về phát triển và cung ứng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; Nhóm giải pháp về môi trường; khoa học và công nghệ; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; Nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn; Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
Đối với các danh mục dự án ưu tiên: Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, xác định các dự án lớn, có tính chất liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư, phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, tuân thủ các quy định của pháp luật; trong đó xác định các dự án trọng điểm đến năm 2030 có tính đột phá, đóng góp nhiều cho sự phát triển của tỉnh như: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); Tuyến đường bộ ven biển; Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình; Khu bến cảng Diêm Điền; Khu công nghiệp Dược - Sinh học; các sân gôn Cồn Vành, Trà Giang, Quỳnh Lâm; 06 trung tâm dịch vụ Logistics; 04 cảng cạn; các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch và các dự án phát triển đô thị, nhà ở...