Ngày này năm xưa 17/11: Ban hành Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Vuasanca tổng hpợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 17/11.
Ngày 17/11/2010, Quốc hội ban hành Luật Khoáng sản. (Ảnh: TTXVN) |
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 17/11/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 168/SL về việc thành lập Sở Nội thương thuộc Bộ Kinh tế. Sau chiến dịch Biên giới Thu Đông, vùng tự do được mở rộng và nối liền với một dải biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhu cầu kháng chiến cũng như nhu cầu của đời sống nhân dân tăng lên, nhu cầu lưu thông hàng hóa phát triển mạnh. Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nội thương trong giai đoạn mới, ngày 17/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 168/SL về việc thành lập Sở Nội thương thuộc Bộ Kinh tế, thay cho Cục Tiếp tế vận tải. Theo đó, các Phân sở, Chi sở và Chi điếm, Cửa hàng thuộc Sở Nội thương được thành lập tại các vùng tự do để trực tiếp thực hiện việc thu mua và phân phối hàng hóa, điều hòa thị trường.
Ngày 17/11/1950: Ngày Truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Đây là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam. Sau này, ngày 17/11 được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn làm Ngày Truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Đến nay Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam có 116 thành viên trong nước, với mạng lưới đối tác lên quốc tế lên đến hơn 1.200.
Ngày 17/11/1952: Tại khu vực Chân Mộng - Trạm Thản thuộc hai huyện Phù Ninh và Đoan Hùng (Phú Thọ) đã diễn ra trận đánh lịch sử Chân Mộng - Trạm Thản, bẻ gãy cuộc hành quân Loren của thực dân Pháp trong Chiến dịch Tây Bắc, tạo tiền đề để quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng đã đi vào lịch sử oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn của quân và dân Phú Thọ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 17/11/1954: Việt Nam - Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. Mông Cổ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước đã ký nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa giáo dục, khoa học và các lĩnh vực khác... Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước luôn ủng hộ, giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ với nhau trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 17/11/1998: Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 1406/1998/QĐ-BTM của Hội đồng đấu thầu quy định việc tổ chức đấu thầu hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU năm 1999.
Ngày 17/11/1998: Bộ Thương mại ban hành Quyết định 1405/1998/QĐ-BTM về việc ban hành quy chế đấu thầu hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường có quy định hạn ngạch.
Ngày 17/11/2004: Bộ Thương mại ban hành Thông báo Cấp giấy phép xuất khẩu mặt hàng vải tổng hợp sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 2005.
Ngày 17/11/2004: Công bố thương hiệu Bát Tràng - Việt Nam - 1000 năm truyền thống. Sự kiện này mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm của làng nghề Bát Tràng. Đây cũng là phương tiện quan trọng để các sản phẩm gốm Bát Tràng đến với thị trường quốc tế.
Ngày 17/11/2006: Bộ Thương mại ban hành Thông báo 0545/BTM-DM điều hành hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ năm 2006 đối với phần nguồn còn lại dành cấp visa tự động của Cat. 647/648.
Ngày 17/11/2015: Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 17/CT-BCT về việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương.
Ngày 17/11/2010: Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng với Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng (Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27/04/1999). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số 59/2010/QH12) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời và chính thức có hiệu lực, hàng loạt các văn bản có liên quan cũng đã được xây dựng và ban hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác này.
Ngày 17/11/2010: Quốc hội ban hành Luật Khoáng sản. Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, ngày 17/11/2010, Quốc hội đã ban hành Luật khoáng sản. Luật này quy định việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 17/11/2015: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Mục tiêu của đề án Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, các quy trình, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước.
Sự kiện quốc tế
Ngày 17/11/1558: Elizabeth I trở thành Nữ vương nước Anh và Ireland. Bà được biết đến với các danh hiệu là Nữ vương đồng trinh, Nữ vương thần tiên… Giai đoạn trị vì của Elizabeth I được coi là thời kỳ hoàng kim của lịch sử nước Anh, về kinh tế, chính trị và văn hóa. Nhiều vĩ nhân của nước Anh đã thành danh dưới triều đại của bà. Lịch sử ghi chép rằng Elizabeth I là người điềm tĩnh, quyết đoán, biết cách giải quyết vấn đề.
Ngày 17/11/1869: Khánh thành kênh đào Suez. Kênh đào Suez là kênh giao thông nhân tạo thuộc lãnh thổ Ai Cập, nối Địa Trung Hải với vịnh Suez. Kênh đào Suez được khởi công từ năm 1859 và chính thức hoàn thành vào ngày 17 tháng 11 năm 1869. Kênh đào Suez dài 193,3km, khúc hẹp nhất là 60m, có thể cho phép tàu lớn nặng 250 nghìn tấn đi qua. Kênh đào này đã trở thành bước tiến quan trọng trong ngành hàng hải, vận tải quốc tế, giúp tàu thuyền rút ngắn quãng đường lên đến 6 nghìn km.
Ngày 17/11/1906: Ngày sinh nhà sáng lập hãng Honda Soichiro Honda. Ông sinh ra tại một ngôi làng ở miền trung Nhật Bản. Ngay từ nhỏ, ông đã có sự ham thích thú đối với động cơ. Năm 1947, chiếc xe máy tiên phong do Soichiro Honda sản xuất chính thức ra đời. Năm 1948, Honda bắt đầu sản xuất xe máy trong cương vị Chủ tịch Công ty Honda. Ông đã biến công ty thành một tập đoàn đa quốc gia giá trị hàng tỉ đô la chuyên sản xuất ra những xe máy bán chạy nhất thế giới. Tài năng về kỹ thuật và tiếp thị của Honda thể hiện ở việc bán nhiều vượt tưởng tượng các loại xe Triumph ở thị trường nội địa và Harley-Davidson. Năm 1959, xe máy Honda mở đại lý bán sỉ đầu tiên tại Hoa Kỳ. Năm 1980, Soichiro Honda được bầu chọn vào list “Top 25 nhân vật tiêu biểu vượt trội của năm” và được ví như "Henry Ford của Nhật Bản” bởi Tạp chí People nổi tiếng của Mỹ. Soichiro Honda mất vào năm 1991.
Ngày 17/11/1941: Kỷ niệm Ngày Sinh viên quốc tế chính thức được một tổ chức là Hội đồng sinh viên quốc tế công bố tại London. Ngày lễ này được đặt ra như một sự kỷ niệm cho sự kiện ngày 17/11/1939, khi Đức Quốc xã xử tử 9 nhà hoạt động và đưa 1.200 sinh viên vào khu cách ly tập trung sau khi đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên chống lại sự chiếm đóng của Đức tại Tiệp Khắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. (Ảnh: Hochiminh.vn) |
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 17/11/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo kế hoạch của Bộ Canh nông, thảo luận về tổ chức và quyền hạn của các Uỷ ban nhân dân, việc công bố bản dịch tiếng Pháp văn bản Dự thảo Hiến pháp. Buổi tối, Bác đến thăm cuộc họp trại của Hướng đạo sinh Việt Nam tổ chức tại Khu Việt Nam Học xá nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập tổ chức này.
Ngày 17/11/1946: Bác đi thăm tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tại hai địa phương này, Bác đã thăm các linh mục người Pháp, động viên các nhà hoạt động tôn giáo gìn giữ hòa khí đoàn kết lương giáo. Bác còn thăm nhiều trường học, bà con Hoa kiều và đến thăm hai làng Phù Lưu và Đình Bảng là địa điểm dự phòng cho kỳ họp thứ 2 của Quốc hội giữa lúc nguy cơ bùng nổ chiến tranh đang đến gần. Cùng ngày, Bác gửi Thông điệp tới Cao uỷ Pháp ở Sài Gòn, một lần nữa khẳng định: Nam bộ là đất của Việt Nam phù hợp với Tạm ước 14/9 và mong muốn các giải pháp thương lượng hoà bình, tránh dùng vũ lực trong quan hệ Việt - Pháp.
Ngày 17/11/1950: Tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam - tổ chức đối ngoại nhân dân đa phương đầu tiên của Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Hai ngày sau, 19/11/1950, Đại hội thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam được tổ chức trọng thể tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sĩ hòa bình số một của Việt Nam, bầu bác Tôn Đức Thắng là Chủ tịch danh dự Ủy ban, bầu ban lãnh đạo của Ủy ban. Ủy ban có sứ mệnh tham gia vào phong trào đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và hợp tác của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với sự nghiệp, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Ngày 17/11/1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi của đồng chí Látlơ E.L., phóng viên báo Chiakhialáp của Hungary về những sự kiện quốc tế xảy ra từ ngày 7/11/1956 đến ngày 7/11/1957. Người cho rằng, những việc xảy ra trong một năm qua chứng tỏ những âm mưu đen tối của đế quốc đã bị đập tan bởi lực lượng hòa bình của nhân dân thế giới và ý chí bảo vệ độc lập của các dân tộc; việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo có một ý nghĩa to lớn trong việc chinh phục vũ trụ và tăng khả năng bảo vệ hòa bình thế giới; sự đoàn kết nhất trí và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa là một lực lượng hùng mạnh không gì lay chuyển được.
Ngày 17/11/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, thay mặt nhân dân và Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm ơn sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảm ơn tất cả các nước và các đảng anh em đã giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Người cho rằng, để đánh thắng kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, các đảng cộng sản và công nhân cần phải đoàn kết chặt chẽ. “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta… Đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản và bản Tuyên bố mới, chúng ta nhất định sẽ toàn thắng trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”.