Ngày này năm xưa 23/12: Khánh thành công trình Thủy điện Sơn La
Chuyên mục 'Ngày này năm xưa' Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 23/12 trong nước và ngành công thương; các sự kiện quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trongngày 23/12.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 23/12/1949, ngày mất của quan đại thần Nguyễn Văn Trình. Ông sinh năm 1872, quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, là một danh sĩ Nho học, làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Năm 27 tuổi, Nguyễn Văn Trình đỗ tiến sĩ dưới thời vua Thành Thái.
Sau khi Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ông được chính quyền mới tín nhiệm và thường tham vấn trong nhiều vấn đề. Năm 1946, khi Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập, ông được bầu làm Hội trưởng Hội Liên Việt Hà Tĩnh. Ông qua đời vào ngày 23/12/1949 tại quê nhà ở Hà Tĩnh, thọ 76 tuổi.
Hình ảnh máy bay B52 ném bom xuống làng thôn Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 23/12/1972, quân dân miền Bắc bắn rơi 4 máy bay Mỹ, trong đó Hải Phòng bắn rơi 2 chiếc B52. Mỹ huy động 50 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh ngoại thành Hà Nội, từ Mai Dịch đến trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội). Đêm đó, có 33 chiếc B52 đánh Đồng Mỏ và Bắc Giang, 41 chiếc máy bay chiến thuật đánh Yên Viên, Giáp Bát, Đa Phúc, Sơn Đồng và các sân bay Nội Bài, Yên Bái. Hướng biển có 7 máy bay Mỹ đánh Uông Bí, Phà Rừng, Đồ Sơn, Sở Dầu, và sân bay Kiến An. Quân dân miền Bắc bắn rơi 4 máy bay Mỹ, trong đó Hải Phòng bắn rơi 2 chiếc B52.
Cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tuyên dương công trạng quân dân miền Bắc đánh rất giỏi, thắng rất to và đang làm thất bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ. Phối hợp chiến đấu với thủ đô Hà Nội trong trận "Điện Biên Phủ trên không".
Từ 23 đến 29/12/1972, dân quân tự vệ tỉnh Hoà Bình kiên trì bao vây, lùng sục suốt 7 ngày đêm trong rừng sâu, bắt sống được giặc lái, và bắn rơi một máy bay lên thẳng đến cứu tên giặc lái đó.
Ngày 23/12/2005, ngày mất nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ông sinh năm 1927 tại Hà Nội, nổi tiếng với sáng tác Anh Cho Em Mùa Xuân. Nguyễn Hiền học nhạc từ khi lên 7 tuổi. Ông từng làm Chủ sự Chương trình phát thanh Sài Gòn và Phụ tá Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam. Sau giải phóng, Nguyễn Hiền bị đi tù cải tạo do dính líu đến chính quyền ngụy quyền, rồi sang Mỹ định cư. Ông mất ngày 23/12/2005 tại California.
Ngày 23/12/2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Quyết định số 182/2002/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổ chức, sắp xếp lại ngành thuốc lá.
Ngày 23/12/2005, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 40/2005/QĐ-BCN về việc ban hành Quy định tạm thời về quy hoạch phát triển công nghiệp.
Ngày 23/12/2009, ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Ngày 23/12/2012 khánh thành công trình Thủy điện Sơn La |
Ngày 23/12/2012, Khánh thành công trình Thủy điện Sơn La. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, công suất lắp đặt 2.400MW (gồm 6 tổ máy x400MW; có nhiệm vụ cung cấp điện lên hệ thống điên quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm 10,246 tỷ kWh, chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ.
Ngày 23/12/2013, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng crômit, mangan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025.
Ngày 23/12/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2015/TT-BCT ngày 28/10/2015 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh.
Ngày 23/12/2016, khai trương Cổng dịch công trực tuyến Bộ Công Thương và dịch vụ công mức độ 4 Dán nhãn năng lượng. Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại Bộ Công Thương.
Ngày 23/12/2018, vận hành thương mại tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam. Đây là dự án lớn có tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD và quy mô 10 triệu tấn dầu thô/năm. Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới thời điểm này.
Sự kiện thế giới
Ngày 23/12/1732, ngày sinh Richard Arkwright. Richard Arkwright là nhà phát minh người Anh, nổi tiếng với phát minh ra khung dệt, sau đó được chuyển thành khung hơi nước cho phép sử dụng sức nước để làm việc. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, phát minh ra khung dệt thuộc về một thợ làm sợi tên là Thomas Highs, người từng nhận Arkwright làm phụ tá, nhưng không có bằng chứng rõ ràng cho việc này.
Ngày 23/12/1902, ngày sinh Chaudhary Charan Singh. Chaudhary Charan Singh là Thủ tướng của Cộng hoà Ấn Độ, từ 28/7/1979 đến 14/2/1980. Chaudhary Charan Singh được người dân Ấn Độ hết sức yêu mến vì những chính sách thân thiện với nông nghiệp, hỗ trợ sinh kế cho người nông dân. Ông cũng là người góp phần ngăn chặn chính sách ruộng đất tập thể (giống như mô hình hợp tác xã trước năm 1986 ở Việt Nam). Năm 2001, ngày 23/12, kỷ niệm sinh nhật Chaudhary Charan Singh được chọn làm Ngày Nông dân quốc gia Ấn Độ.
Ngày 23/12/1913, thành lập Cục dự trữ liên bang Mỹ |
Ngày 23/12/1913, thành lập Cục dự trữ liên bang Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là ngân hàng trung ương của nước Mỹ, bắt đầu hoạt động từ năm 1913, theo “Đạo luật Dự trữ Liên bang” của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 23/12/1913. Đến nay, FED vẫn là tổ chức tài chính quyền lực bậc nhất trên thế giới do các quyết định của FED tác động trực tiếp đến đồng USD, đồng tiền thanh toán quốc tế phổ biến nhất. Mặc dù là ngân hàng trung ương nhưng FED thuộc sở hữu tư nhân, gây ra nhiều tin đồn về những “thế lực ngầm” thao túng nền kinh tế và chính trường Mỹ.
Ngày 23/12/1958, khánh thành tháp Tokyo năm 1958. Tháp Tokyo là một tháp truyền thông và quan sát tọa lạc tại khu vực Shiba-koen thuộc quận Minato, Tokyo, Nhật Bản. Tháp được thiết kế dựa trên nguyên lý của Tháp Effel, được sơn màu trắng và cam quốc tế để tuân thủ các quy định an toàn hàng không. Tháp Tokyo xuất hiện nhiều trong văn hóa đại chúng Nhật Bản. Độc giả bộ truyện tranh Doraemon chắc hẳn không thể nào quên những phân cảnh Nobita, Chaien hay Xeko bị ngồi chênh vênh trên tháp Tokyo do nghịch bảo bối của Doraemon.
Ngày 23/12/2013, ngày mất của Mikhail Kalashnikov. Mikhail Kalashnikov sinh năm 1919, là nhà thiết kế vũ khí nổi tiếng người Liên Xô (Nga). Ông được biết đến là cha đẻ của mẫu súng huyền thoại AK-47, khẩu súng gắn liền với người lính bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như nhiều cuộc chiến tranh chống lại ách đô hộ, bảo vệ tổ quốc khác trên thế giới. Mikhail Kalashnikov mất ngày 23/12/2013.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 23/12/1923, trên số báo “Ogniok” xuất bản tại nước Nga Xô viết đã đăng bài báo có nhan đề “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” của nhà thơ Xôviết Êxớp Manđenxtam, thuật lại cuộc gặp gỡ giữa tác giả và Nguyễn Ái Quốc trong đó nhà cách mạng Việt Nam đã bày tỏ: “Thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những người nông dân chúng tôi biết những từ “bônsêvích” và “Lênin”. Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm, và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsêvích và Lênin”.
Còn tác giả bài viết thì đưa ra nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai... Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Nội các Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Ngày 23/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với các đảng phái bàn về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cùng đưa ra “Văn kiện 14 điều thoả thuận” trong đó nhất trí “Trong Chính phủ liên hiệp chính thức, Hồ Chí Minh tiên sinh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần tiên sinh làm Phó Chủ tịch...”.
Chiều ngày 23/12/1946, Bác thảo văn kiện có nhan đề “Hỏi và trả lời” nhằm giải thích và tuyên truyền cho cuộc kháng chiến toàn quốc mới bùng nổ. Văn kiện viết: “Có người hỏi kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi. Tôi trả lời: Giồng khoai 3 tháng mới có củ, giồng lúa 4 tháng mới được ăn... Thử xem Trung Quốc kháng chiến 8 năm mới thắng lợi... Muốn trị lửa phải dùng nước. Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng...”. Trả lời nhiều câu hỏi như: “toàn dân kháng chiến là thế nào?”, Bác trả lời rồi đưa ra câu thơ:
“Dân ta phải giữ nước ta,
Dân là con nước, nước là Mẹ chung”.
Trả lời câu hỏi: “đồng bào ở hậu phương nên làm việc gì?”, Bác cũng có mấy vần thơ:
“Tiền phương chiến sĩ hy sinh,
Đem xương máu mình giữ nước non ta.
Hậu phương sản xuất tăng gia,
Cũng là kháng chiến, cũng là vẻ vang”
Ngày 23/12/1963, trong bài viết có nhan đề “Miền Nam tất thắng”, đăng trên báo “Nhân Dân”, bình luận về cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Bác nhận định “chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng”.
Ngày 23/12/1964, báo “Nhân Dân” công bố trả lời của Bác với Hãng Thông tấn Côplây (Hồng Kông), trong đó khẳng định: “Nếu Mỹ tiến công Bắc Việt Nam, chúng tôi sẽ kiên quyết đánh lại”. Để giải quyết vấn đề Việt Nam “chỉ có một cách là Mỹ phải tôn trọng Hiệp định Giơnevơ..., phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam..., chấm dứt những hành động chiến tranh đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.