Ngày này năm xưa 26/1: Bác Hồ mong muốn ngành công nghiệp phải quyết tâm vượt mức kế hoạch Ngày này năm xưa 27/1: Ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam |
Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 28/1.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 28/01/1977: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định đặt Huân chương Hữu nghị để tặng thưởng những tổ chức và cá nhân nước ngoài đã có công giúp nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoặc đã có những đóng góp tích cực vào việc phát triển tình hữu nghị với nhân dân Việt Nam.
Ngày 28/01/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký Thông tư số 04/2022/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thông tư nêu rõ, Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về công thương, bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dầu khí (nếu có); hoá chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng thông thường); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới (đối với các tỉnh có biên giới); xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn.
Sở Công Thương có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp tỉnh, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Công Thương.
Ngày 28/01/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký Thông tư số 04/2022/TT-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương và Phòng Kinh tế và Hạ tầng |
Thông tư cũng quy định rõ, Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công thương ở địa phương (đối với những lĩnh vực khác thuộc Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng do Bộ quản lý ngành tương ứng hướng dẫn).
Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Công Thương.
Ngày 28/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Ngày 28/01/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2015/TT-BTC ngày 12/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Từ ngày 28/1 đến ngày 10/2/1954, quân đội ta phối hợp với bộ đội Phathét Lào mở chiến dịch Thượng Lào (gồm có Nậm Hu, Mường Khoa, Phong-xa-lì, Mường Sài nhằm đánh lạc hướng địch, tưởng ta bỏ ý định tấn công Điện Biên Phủ, đồng thời bao vây chia cắt Điện Biên Phủ với Thượng Lào, tạo điều kiện giải phóng một vùng đất đai quan trọng trên đất Lào.
Kết thúc chiến dịch Thượng Lào, địch bị diệt 17 đại đội (có 1 tiểu đoàn Âu Phi bị diệt gọn), ta giải phóng tỉnh Phong-xa-lì. Phòng tuyến Nậm Hu, "con đường liên lạc chiến lược" của địch với Điện Biên Phủ bị đập tan. Cǎn cứ kháng chiến của nhân dân Lào được mở rộng gồm 10 nghìn km2, khu giải phóng Sầm Nưa của bạn nối liền với vùng Tây Bắc của ta.
Ngày 28/01/2005: Ngày Truyền thống của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Ngày 28/01/2010 là ngày mất của bà Đàm Thị Loan - 1 trong 3 nữ đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Bà Đàm Thị Loan phục vụ trong quân đội với hàm Trung tá. Bà còn được biết đến là vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Bà Đàm Thị Loan cùng bà Dương Thị Thoa là người thực hiện nghi thức thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 28/01/1960: Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng.
Đội Phòng thủ tỉnh ủy Sóc Trăng (tiền thân của Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng) được thành lập vào ngày 28/01/1960, với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, phục vụ hoạt động của tỉnh ủy trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Sau giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng luôn giữ vững truyền thống, gắn bó máu thịt với đồng bào, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, các lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc.
Sự kiện quốc tế
Ngày 28/01/1520: Ferdinand de Magellan tìm ra Thái Bình Dương.
Ngày 28/01/1887, công trình tháp Epphen chính thức khởi công. Công trình do ông Guyxtavơ Epphen - kỹ sư người Pháp đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Đến ngày 31/3/1889 (tức là sau 2 nǎm 2 tháng 5 ngày) thì xây dựng xong. Tháp cao 320m, trọng lượng toàn bộ của tháp là 9.700 tấn. Tháp Epphen đã trở thành biểu tượng của thủ đô Paris - một kỳ quan thực sự.
Ngày 28/01/1887, công trình tháp Epphen chính thức khởi công |
Guyxtavơ Epphen còn là tác giả của rất nhiều công trình kim loại ở nhiều nước, đặc biệt là các cây cầu. Người ta gọi ông là "Thuật sĩ của vật liệu sắt".
28/01/1871, cuộc chiến tranh Pháp - Phổ chính thức kết thúc bằng việc Pháp thất bại sau 9 ngày bị quân Phổ - Đức vây hãm tại Paris. Pháp đầu hàng, tuy nhiên mối thù Đức - Pháp trở nên sâu sắc, là một nguyên nhân dẫn đến Thế chiến I sau này.
Ngày 28/01/1813, tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến được xuất bản.
Ngày 28/01/1918, Hồng Quân được những người Bolshevik thành lập, tuy nhiên có ngày thành lập chính thức là ngày 23/2/1918, ngày quân Đức ngừng tấn công Petrograd và ký hòa ước. Tư lệnh đầu tiên của Hồng Quân là Lev Davidovich Trotsky.
Sự kiện về Bác Hồ
Ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ): Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của Cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa Xuân thắng lợi.
Từ mùa Xuân năm 1941, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho Cách mạng Việt Nam, với mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Ảnh: TTXVN |
Ngày 28/01/1957 (tức sáng ngày 28 tháng Chạp nǎm Bính Thân), đoàn đại biểu xã Nhật Tân huyện Từ Liêm đã mang cây đào đẹp nhất đến biếu Hồ Chủ tịch.
Sau khi thǎm hỏi việc chuẩn bị đón tết, đời sống nhân dân trong xã, Bác Hồ cǎn dặn "ǎn tết phấn khởi nhưng phải nhớ tiết kiệm". Bác tặng mỗi người một thiếp chúc mừng nǎm mới và nói: "Xin cảm ơn các cụ và các đồng chí đã đem tặng tôi cây đào để tôi vui tết. Nhưng sang nǎm, thôi không đem tặng tôi nữa, tôi sẽ tự trồng cây đào này để có hoa chơi tết".
Ngày 28/01/1946, trên báo Cứu Quốc đăng bài báo ký tên “Hồ Chí Minh” có tựa đề là “Tự phê bình”, kiểm điểm lại tình hình đất nước sau 4 tháng phấn đấu không biết mệt mỏi của nhân dân và Chính phủ. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng trong văn kiện này, người đứng đầu chính phủ tự nhận:
“Trước hoàn cảnh khó khăn đó, đồng bào đã cố gắng, người giúp sức, kẻ giúp tiền. Còn tôi thì lo lắng đêm ngày để làm tròn nhiệm vụ của mình sao cho khỏi phụ lòng đồng bào toàn quốc. Chỉ vì tôi tài hèn, đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào... Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân”.
“...Chúng ta không sợ khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ. Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi”.
Bác Hồ quàng khăn đỏ cho một đại biểu thiếu nhi Thủ đô tại Phủ Chủ tịch khi các cháu đến chúc tết Người nhân dịp xuân Canh Tý, ngày 28/01/1960. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Ngày 28/01/1958, Bác đến thăm và nói chuyện tại Trường Công an Trung ương. Bác nhắc nhở: “Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ, tự do chủ nghĩa, vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích thì không làm... Muốn phục vụ nhân dân tốt thì phải đi đường lối quần chúng. Được nhân dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được...” và tặng mấy câu văn vần:
“Đoàn kết, cảnh giác, / Liêm, chính, kiệm, cần. / Hoàn thành nhiệm vụ, / Khắc phục khó khăn, / Dũng cảm trước địch, / Vì nước quên thân, / Trung thành với Đảng, / Tận tụy với dân.”
Ngày 28/01/1960 là mồng một Tết Canh Tý, Bác Hồ có “Thơ mừng năm mới”:
“Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh! / Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ! / Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua, / Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. / Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh, / Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ. / Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên, / Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!”.
Ngày 28/01/1969, Bác Hồ có thư gửi cán bộ, chiến sĩ bộ đội Thông tin liên lạc, ngày 28/1/1969, nhân dịp Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc tổ chức “Đại hội thi đua lập công, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đã có cố gắng, cần luôn cố gắng hơn nữa. Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, ngày càng tiến bộ, lập nhiều thành tích mới…”.
Ngày 28/01/1968, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng “Thư Hồ Chủ tịch khen tỉnh Thái Bình”. Trong đó Bác viết:
“Thân ái gửi đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình,
Trong hai năm nay, Thái Bình đã cố gắng phát triển sản xuất, thực hiện thâm canh và đã đạt năng suất trên 5 tấn lúa 1 hécta trong toàn tỉnh. Do đó, nhân dân Thái Bình đã làm nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước hơn các năm trước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; đời sống của nhân dân được bảo đảm. Như vậy là tốt.
Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào và cán bộ Thái Bình đã có nhiều cố gắng trong phong trào thi đua sản xuất và chiến đấu, thâm canh tăng năng suất lúa.
Báo Quân đội nhân dân đăng tải bức thư của Bác Hồ gửi thư khen tỉnh Thái Bình |
Đây mới là những thành tích bước đầu. Bác mong rằng đồng bào và cán bộ không chủ quan, tự mãn, tiếp tục cố gắng hơn nữa, ra sức thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện để góp phần xứng đáng hơn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội của toàn dân ta.
Nhân dịp năm mới, Bác gửi lời chúc toàn thể đồng bào và cán bộ trong tỉnh: Năm mới cố gắng mới và thắng lợi mới.
Chào thân ái và quyết thắng!"