Thị phần của doanh nghiệp Nghệ An còn khiêm tốn
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Nghệ An vào thị trường Hàn Quốc, sáng 1/6, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến “Gặp gỡ Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Nghệ An”.
Các đại biểu theo dõi hội nghị trực tuyến “Gặp gỡ Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Nghệ An”. |
Tại Hội nghị trực tuyến này, ông Phạm Khắc Tuyên - Trưởng cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho hay nhiều năm qua, Hàn Quốc là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Nghệ An. Việc hai nước tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc cũng như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã mở rộng khung pháp lý cho các hoạt động thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường Hàn Quốc.
Hàn Quốc là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với 8 nhóm mặt hàng chính, bao gồm hàng dệt may, thiết bị linh kiện điện tử, dây điện và cáp điện, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm đá các loại, bao bì, hoa quả chế biến, nhựa thông và tùng hương.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Hàn Quốc.
Trong thời gian tới, một số hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực. Các hiệp định thương mại tự do mang lại lợi thế rất lớn, nhưng các rào cản đối với các nước khi tham gia ký kết hiệp định.
Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc sở Công Thương Nghệ An, cho biết năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Nghệ An và Hàn Quốc đạt 452 triệu USD, tăng 45% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 246,1 triệu USD, chiếm 11,65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh, xếp vị trí thứ 3 sau Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 54 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường hàn quốc với 8 nhóm mặt hàng chính, bao gồm: Hàng dệt may; Thiết bị linh kiện điện tử; Dây điện và cáp điện; Nguyên phụ liệu dệt may da giày; Sản phẩm đá các loại; Bao bì; Hoa quả chế biến; Nhựa thông, tùng hương...
Mặc dù, nhiều mặt hàng Việt Nam đã xâm nhập được vào thị trường Hàn Quốc, tuy nhiên so với Trung Quốc, Hồng Kông… thị phần nông sản xuất khẩu của Nghệ An còn khá khiêm tốn, gặp nhiều khó khăn như hàng rào kỹ thuật, thuế quan...“Việc này đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh phải nắm bắt được kiến thức khi hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó mở ra cơ hội cung ứng cho Nghệ An vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Cuộc gặp gỡ này tôi hy vọng sẽ tìm ra phương hướng, để trong thời gian đưa hàng hóa của Nghệ An vào chuỗi cung ứng, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất kinh doanh”, ông Phạm Văn Hoá nhấn mạnh.
Cơ hội cho doanh nghiệp Nghệ An
Năm 2022, cùng với giá dầu tăng cao do ảnh hưởng cuộc xung đột Nga-Ukraina, chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến chi phí sản xuất tăng, dẫn đến những mặt hàng thiết yếu của các gia đình Hàn Quốc cũng trở nên khó khăn hơn.
Dây chuyền may xuất khẩu của Hàn Quốc tại Nghệ An. |
Ông Phạm Khắc Tuyên đã thông tin đến các doanh nghiệp về thị trường Hàn Quốc như lưu ý khi xuất, nhập khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Các doanh nghiệp đã được giao lưu, trao đổi với Tham tán về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất, nhập khẩu cũng như các cơ hội để kết nối trong thời gian gần nhất.
Ông Tuyên lưu ý, đây là cơ hội cho Nghệ An nếu như hàng Nghệ An đảm bảo được chất lượng tương đương nhưng có giá bán thấp hơn hàng hóa của các nước khác nhập khẩu vào Hàn Quốc; hoặc Nghệ An cung cấp được các mặt hàng có thể thay thế cho sản phẩm nội địa của Hàn Quốc.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, Trưởng cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường Hàn Quốc về quy định pháp luật, nhu cầu thị trường, rào cản kỹ thuật...Giải đáp và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi xuất, nhập khẩu với thị trường Hàn Quốc; đồng thời tìm kiếm giải pháp để thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với một số sản phẩm cụ thể của tỉnh sang thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới.
Cơ hội đang mở ra là khá lớn, tuy nhiên để gia tăng thị phần tại Hàn Quốc, doanh nghiệp Nghệ An cần lưu ý. Trước hết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng với hàng nhập khẩu khắt khe nhất thế giới. Đối với hàng nông, lâm, thủy sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nỗ lực để xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc giống như một mũi tên trúng hai đích. Bởi nếu chất lượng của một sản phẩm đã được thị trường Hàn Quốc chấp thuận thì sản phẩm đó hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt được ở các thị trường khác.
Hiện nay, có nhiều kênh hỗ trợ của Nghệ An và Hàn Quốc mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng như qua Sở Công Thương các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài…Doanh nghiệp cũng có thể tìm thông tin, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế nhằm giới thiệu hàng hóa, sản phẩm với các khách hàng nước ngoài.
Ngoài hoạt động giao thương trực tiếp, doanh nghiệp nên theo dõi thông tin và thu xếp tham gia các buổi hội thảo – giao thương trực tuyến. Kinh nghiệm của Thương vụ Hàn cho thấy, nhiều doanh nghiệp Nghệ An đã tìm được bạn hàng, đối tác nước ngoài thông qua việc tham gia các buổi giao thương trực tuyến.