Nghệ An: "Khó khăn kép", tàu cá của ngư dân nằm bờ
Không dám ra khơi vì sợ lỗ
Không chỉ các chủ tàu mệt mỏi, đời sống của hàng loạt lao động - ngư dân làm việc trên tàu và động hậu cần nghề cá cũng rơi vào cảnh khó khăn khi chủ tàu quyết định đưa tàu lên nằm bờ...
Từ sau Tết nguyên đán đến nay 2 con tàu của gia đình anh Thái Bá Hồng (46 tuổi) ở xóm yên Thịnh xã Diễn Ngọc huyện Diễn Châu (chuyên đánh ở quanh vùng đảo Mắt, đảo Mê) "mắc cạn". Sản lượng đánh bắt giảm mạnh do mùa này lượng hải sản giảm mạnh, trong khi các chi phí khác đều tăng, đẩy tàu vào chỗ thu không đủ chi. Anh Hồng quyết định cho 2 chiếc tàu cá này "đắp chiếu" nằm bờ. "Chi phí mỗi chuyến đi biển tăng mạnh, không chỉ dầu mà hầu hết các loại ngư cụ cũng đều tăng giá. Tàu ra khơi càng lỗ, nợ nần trong ngân hàng càng chồng chất..." – anh Hồng than thở.
Hàng trăm con tàu ở xã Diễn Ngọc huyện Diễn Châu 'đắp chiếu' nằm bờ |
Cặp tàu của anh Nguyễn Văn Hà (42 tuổi) xóm Nam Thịnh xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cũng đã nằm bến thay vì liên tục ra khơi như trước đây. Theo anh Hà, với số lượng dầu mỗi chuyến đi, chưa kể các khoản chi phí khác như tiền đá ướp, ngư cụ, lương cho 7 ngư dân theo thuyền, chi phí mỗi chuyến đi biển hết ít nhất 35 triệu đồng, trong đó dầu đèn đã chiếm 2/3. Nếu chuyến đi may mắn trúng luồng cá còn có tiền trang trải, còn không thì chịu lỗ nặng, xem như đi tìm ngư trường mới.
"Nếu lại tiếp tục đi chuyến tới, gia đình tui cầm chắc lỗ vốn, bởi chỉ riêng chi phí tiền dầu đã bị đội lên 60 triệu đồng do giá dầu vừa tăng thêm... trong khi ngư trường dần bị thu hẹp, giá bán giảm sẽ không đủ chi phí trang trải. Nếu cứ thua lỗ liên tiếp như vậy chắc chắn nhiều chủ tàu sẽ phải bỏ nghề vì không kham nổi” - anh Hà nói.
Ngư dân đang trong vòng luẩn quẩn, đưa tàu đi biển sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ, còn để nằm bờ cũng dễ bị hư rồi lại tốn tiền. Theo anh Hà sau đợt giá dầu tăng mới đây, chỉ riêng tại Diễn Ngọc đã có trên 90% tàu thuyền được chủ tàu cho 'đắp chiếu' nằm bờ.
Các chủ tàu cho biết họ đang lâm vào thế khó vì ở nhà không có tiền, còn ra khơi gần như xác định lỗ vì chi phí xăng dầu, thức ăn, đá lạnh, gas…tăng cao, không gánh nổi cho chuyến đi biển dài ngày. Không chỉ tàu gỗ, nhiều tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Nghệ An cũng lâm cảnh tương tự, không ra khơi đánh bắt vì thu nhập không đủ trang trải chi phí.
Ngư dân Thái Bá Hồng ở xã Diễn Ngọc lo lắng vì liên tiếp thua lỗ sau mỗi chuyến biển |
Trong khi đó, nhiều chủ thuyền dịp này lỗ nặng, nhưng vẫn quyết định tiếp tục ra khơi vì không đi biển họ không biết làm gì, trong khi nợ nần vẫn phải trả.
Việc đánh bắt xã bờ của ngư dân ngày càng khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến những chủ tàu mà còn khiến đời sống của những ngư dân theo tàu cũng khốn đốn theo. "Nhiều năm nay theo tàu đi biển, giờ bỏ nghề biển cũng không biết làm nghề gì. Chứ giờ theo thuyền cũng bấp bênh lắm. Lênh đênh trên biển nhiều tháng, làm quần quật nhưng lương ba cọc ba đồng cũng không đủ sống chưa nói đến lo cho gia đình …", anh Nam, ngư dân theo tàu nhiều năm nay - than thở. Theo anh Nam, mặc dù làm quần quật ngày đêm và "đánh cược" mạng sống với biển nhưng mức lương chỉ khoảng trên dưới 3 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Hồng Phương (54 tuổi) - một ngư dân kỳ cựu ở Diễn Ngọc huyện Diễn Châu- cho biết: vào những năm trước, khi hoạt động đánh bắt xa bờ còn ăn nên làm ra, chủ tàu thường thực hiện ăn chia theo nhiều hình thức. Chẳng hạn, sau mỗi chuyến biển, khoản lợi nhuận sẽ được chia cho chủ tàu và các ngư dân theo thỏa thuận ban đầu. Hoặc việc ăn chia tính theo tổng doanh thu mỗi chuyến biển, hay là trả công theo tháng.
Tuy nhiên, một vài năm gần đây, sau hàng loạt chuyến tàu đánh bắt xa bờ bị thua lỗ và chỉ còn được hưởng lương tháng ít ỏi. Nhưng việc nhận lương tháng cũng không dễ dàng vì số tàu này làm ăn thua lỗ ngày càng nhiều, chủ tàu cứ khất lần khất lữa khiến đời sống của những ngư dân này càng thêm khó khăn. Họ cho biết nhiều năm qua do nghề đi biển thu nhập bấp bênh, lao động trẻ tại địa phương không còn theo nghề truyền thống mà đi xuất khẩu lao động hoặc vào các tỉnh miền Nam làm việc.
Gỡ khó trước mắt chờ chiến lược lâu dài
Trao đổi với Vuasanca , ông Dương Minh Kiên - Phó trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Diễn Châu cho hay, nếu nói nguyên nhân do xăng dầu tăng mà tàu thuyền nằm bờ là không hẳn đúng, vì tăng xăng dầu là tăng cả nước, đây chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến bà con khó vươn khơi. Thời gian mới nghỉ Tết dài, dịch bệnh, thời tiết chưa cho phép làm cho tình trạng đánh bắt của bà con càng thêm khó khăn. Hiện tại trên địa bàn huyện chưa ghi nhân tình trạng găm hàng tăng giá xăng dầu trong thời gian qua.
Một số tàu chuẩn bị ngư cụ với mong muốn chuyến biển mới bù lỗ cho chuyến trước |
“Giá các mặt hàng tăng cao trong khi ngư trường thu hẹp, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị gián đoạn đã ảnh hưởng hiệu quả kinh tế nghề biển, lực lượng lao động cũng vì thế chuyển đổi nghề. Dù đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển song điều sâu xa nhất là mỗi chuyến biển phải có thu nhập cao thì ngư dân mới yên tâm vươn khơi”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, tỉnh đã đưa ra định hướng cho nghề biển như giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt.
Cũng theo Chi cục thủy sản Nghệ An, tổng số tàu cá toàn tỉnh đến ngày 28/2 là 3.418 chiếc trong đó nhiều nhất là Thị xã Hoàng Mai có 885 tàu đang hoạt động, huyện Quỳnh Lưu có 585 tàu và huyện Diễn Châu có 497 tàu đang hoạt động. Trong đó có hơn 1.000 chiếc công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Với đội ngũ hơn 17.000 lao động nghề biển, đây là một trong những địa phương chú trọng phát triển nghề biển. Tuy nhiên, hai năm qua, ngư dân cũng như hoạt động nghề biển gặp nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác trong tháng 1/2022 đạt 12.159 tấn (giá trị ước đạt 237,32 tỷ đồng). Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 11.638 tấn, bằng 6,85% so với kế hoạch năm, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022 Nghệ An đặt kế hoạch khai thác 175.000 tấn hải sản.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến thủy sản và các chủ tàu hoạt động khai thác, Sở NNPTNT Nghệ An đã chỉ đạo Ban quản lý Cảng cá Bến cá, Chi cục Thủy sản tạo điều kiện tối đa trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản cho các doanh nghiệp và các giấy tờ liên quan đến tàu cá. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan để làm tốt công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép và nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy trình, quy phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
“Hiện Chi cục Thủy sản Nghệ An đang đồng hành, hỗ trợ, động viên ngư dân tiếp tục bám biển, đồng thời triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh nắm bắt thời tiết dự báo ngư trường cho bà con, Chi cục còn hỗ trợ máy thông tin tầm xa, tời thủy lực cho nghề lái chụp”, ông Chu Quốc Nam – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An khẳng định.