Nghệ An: Không có chuyện cấm chợ dân sinh
Chợ dân sinh vẫn hoạt động bình thường
Tuy nhiên, chợ dân sinh là dịch vụ cung cung cấp thực phẩm, nhu cầu thiết yếu của người dân, do đó, không nằm trong danh mục những hoạt động kinh doanh bị tạm dừng hoạt động. Hiện các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn họp, kinh doanh buôn bán bình thường, không có chuyện "cấm chợ".
Hình ảnh tại chợ Vinh - Nghệ An ngày 29-3, nhiều người dân đổ xô mua hàng hóa tích trữ sau khi nghe lời đồn thổi về chủ trương cấm chợ. |
Tại thành phố Vinh (Nghệ An), các chợ lớn như: Chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Quán Lau, Quang Trung, Bến Thủy, Hưng Dũng… hoạt động buôn bán vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có điều khác biệt so với trước đó là người mua - người bán đã chấp hành chủ trương đeo khẩu trang nơi công cộng; số lượng người đi chợ giảm sút so với những ngày cuối tuần. Nhiều người thay vì đi chợ trực tiếp đã chuyển sang mua sắm trực tuyến. Các chợ dân sinh trên địa bàn huyện Nam Đàn như: Sa Nam, chợ Sen (thị trấn Nam Đàn), chợ Cầu (Kim Liên), chợ Chùa (Nam Anh), chợ Tro (xã Xuân Hòa)… vẫn họp chợ và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.
Tại các siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn hoạt động bình thường không có tình trạng “cấm chợ” như đồn thổi. |
Nhiều địa phương thực hiện các “biện pháp mạnh” đảm bảo an toàn cho người mua, người bán khi đến chợ như lập các tổ chốt ở cổng chợ, nếu ai không đeo khẩu trang không cho vào chợ. Điển hình như chợ Bảo Đức (xã Thanh Khê), chợ Phuống (xã Thanh Giang)…
Trao đổi với PV, Ông Trần Văn Phú, chuyên viên phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết: “21/21 chợ trên địa bàn huyện vẫn hoạt động bình thường. Không có chuyện cấm chợ, đóng cửa chợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì lượng người đi chợ giảm mạnh, chợ thưa vắng hơn trước, việc buôn bán có phần ế ẩm. Giá cả các mặt hàng thực phẩm tại chợ vẫn bình ổn, không có chuyện tăng giá”.
Hàng hóa dồi dào, người dân không cần tích trữ
Theo thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, lượng hàng hóa thiết yếu tại hệ thống phân phối hiện khá dồi dào. Cụ thể, lượng gạo hiện có tại các cơ sở phân phối dự kiến khoảng 2.500 tấn (chủ yếu tập trung tại các công ty, các siêu thị, các cửa hàng lương thực, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, các chợ…). Trong lúc khẩn cấp có thể nhập về khoảng 10.000 tấn trong vòng 5 - 7 ngày. Đồng thời, các hộ gia đình tự túc lương thực và dự trữ ước tính khoảng 15.000 tấn. Do đó, nguồn cung lương thực rất dồi dào, không có chuyện khan hiếm.
Đối với nhóm thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản, tỉnh Nghệ An hiện đáp ứng được 38.330 tấn/tháng (trong đó 19.750 tấn thịt gia súc, gia cầm; 18.580 tấn thủy sản các loại, trứng gia cầm khoảng 100.000 quả). Hiện mức tiêu thụ toàn tỉnh hiện khoảng 13.000 tấn/tháng.
Với nhóm rau xanh các loại, sản lượng tại chỗ có thể đáp ứng khoảng: 39.947 tấn/tháng trong khi tổng nhu cầu tiêu thụ rau bình quân toàn tỉnh khoảng 32.000 tấn/tháng.
Nhóm hàng nhu yếu phẩm, hiện các đơn vị trên địa bàn tỉnh có thể cung ứng ngay khoảng 500 tấn nước mắm; 1.000 tấn dầu ăn; 250 tấn sữa tươi; 200 tấn bột ngọt; 20 tấn mỳ ăn liền... Trong trường hợp nhu cầu người dân tăng lên có thể đáp ứng bằng cách nhập hàng về hàng ngày.
Có thể thấy hiện nay, lượng thương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên thị trường vẫn rất dồi dào, không hề có tình trạng khan hiếm. Do đó, việc người dân Nghệ An ồ ạt mua hàng, dự phòng thực phẩm vào lúc này là chưa cần thiết, có thể gây nhiễu loạn thị trường. Đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.