Sàn giao dịch TMĐT do Sở Công Thương Nghệ An xây dựng nhưng không mấy hiệu quả |
Kinh doanh qua mạng “trăm hoa đua nở”
Theo thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, hiện có khoảng 2.442 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sở hữu tên miền, khoảng 300 website thương mại điện tử (TMĐT) đã đăng ký với Bộ Công Thương. Ngoài 300 doanh nghiệp đã có website TMĐT, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có 300 doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT (37nghean.com và ecna.vn do Sở Công Thương xây dựng). Tính đến nay, các sàn giao dịch này đã thu hút khoảng trên 5 triệu lượt truy cập. Thông qua hoạt động của các website và sàn giao dịch TMĐT, các doanh nghiệp đã giới thiệu, chào bán, chào mua, quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của mình tới đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.
Hiện nay, Facebook, zalo… còn được xem là một không gian mua sắm với đủ các mặt hàng, có thể đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của các cư dân mạng, từ những vật dụng hàng ngày, đồ ăn, thức uống cho đến các mặt hàng đặc biệt như bất động sản. Kinh doanh qua mạng xã hội Facebook đã bùng nổ ở Việt Nam trong khoảng 7 năm trở lại đây. Doanh thu từ hình thức kinh doanh này có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Một chủ tài khoản kinh doanh mỹ phẩm trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và cả YouTube… yêu cầu chúng tôi giấu thông tin, chia sẻ: “Rất nhiều các chủ tài khoản kinh doanh trên mạng để thông tin không đúng, địa chỉ không rõ ràng. Ngoài ra cũng có thể các chủ tài khoản này kinh doanh nhỏ lẻ, không thường xuyên, họ không muốn đăng ký hộ kinh doanh, không có ý định kê khai nộp thuế nên để tìm ra là rất khó…”.
Xu hướng sử dụng mạng xã hội thành phương tiện giao dịch kinh doanh ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Phát triển TMĐT, bán hàng qua mạng thực sự đang “nở rộ”. Hiện có rất nhiều nhân viên văn phòng, giáo viên xem việc kinh doanh qua mạng là nghề tay trái nhưng có nguồn thu lớn hơn so với công việc chính; nghề này do ít chi phí thuê cửa hàng, thuế nên giá rẻ hơn, cạnh tranh được với các hình thức kinh doanh khác. Chỉ cần một cú click chuột người tiêu dùng có thể tìm được những thông tin mình cần và thỏa thuận mua bán: từ dịch vụ masage, làm đẹp đến bán sản phẩm quần áo, giày dép, thực phẩm, rau củ quả… tất cả đều mang đến tận nơi. Có thể nói chợ truyền thống có gì thì mạng có thứ đó, rất đa dạng và phong phú.
“Ôm cây đợi thỏ”
Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay cơ quan này chưa quản lý được số lượng, tình hình bán hàng qua Facebook và các trang mạng xã hội, mà chỉ quản lý các website TMĐT, các sàn giao dịch TMĐT. Mảng quản lý TMĐT do Sở Công Thương phụ trách, nhưng đơn vị chỉ có thể nắm rõ số lượng các website đang hoạt động, tên miền, nhưng doanh thu bán hàng thì chưa quản lý được. Ông Vương Đình Chinh- Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Nghệ An, cho biết: “Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2006, bất kể doanh nghiệp hay cá nhân dù có đăng ký kinh doanh hay không, miễn có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập đến mức chịu thuế thì phải có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định. Tuy nhiên, thực tế không dễ để thu thuế hình thức kinh doanh này…?
Chị Thu Hoài, kinh doanh mặt hàng quần áo qua mạng tại phường Hưng Bình cho biết: Tôi bán hàng qua mạng rất hiệu quả, vừa không phải chi phí thuê nhân công, mặt bằng, vừa không chịu thuế má gì. Kinh doanh qua cửa hàng, ngoài đóng thuế, còn có các đoàn liên ngành hỏi thăm. Bán hàng qua mạng cơ bản không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào….
Cũng như các địa phương khác, tại Chi cục Thuế TP. Vinh từ trước đến nay không thu được khoản thuế nào từ hình thức kinh doanh qua mạng. Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Vinh: “Trong khi người kinh doanh không tự giác đăng ký, còn doanh số, địa chỉ kinh doanh không rõ nên cơ quan thuế không có cơ sở để thu thuế kinh doanh qua mạng. Dù biết thất thu thuế, nhưng vì không nắm được giao dịch cũng như doanh số phát sinh nên đành chịu…”. Bởi lâu nay, việc quản lý, giám sát hoạt động bán hàng, thu thuế của các tổ chức, cá nhân bán hàng trên mạng gặp khó khăn do họ chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, rất khó giám sát, xác định thu nhập kinh doanh của người bán hàng để làm căn cứ tính thuế.
Phương pháp thu thuế dựa trên sự tự nguyện kê khai của người bán hàng, bên cạnh hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành của cơ quan thuế. Tuy nhiên, phải khẳng định tính tự giác kê khai thuế của người bán hàng rất thấp. Trong khi đó, lực lượng của cơ quan thuế phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, truy thu thuế chưa theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của hoạt động TMĐT hiện nay. Vì những bất cập, khó khăn đó dẫn đến tình trạng chưa thể xác định và thu thuế đầy đủ đối với hoạt động kinh doanh qua mạng, đang là bất bình đẳng trong kinh doanh.