Nghệ An nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm sạch
Từ hơn 1 năm trở lại đây, cơ sở sản xuất đậu phụ sạch của gia đình chị Võ Thị Hiền và anh Nguyễn Tuấn Ngọc trên địa bàn phường Bến Thủy, TP. Vinh, cũng đang trở thành một địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người dân trên địa bàn.
Cơ sở sản xuất đậu phụ của chị Hiền sản xuất hai loại: Đậu phụ mơ và đậu phụ miếng dài làm bằng thủ công; cam kết đảm bảo “4 không”: Không chất bảo quản, không hàn the, không chất phụ gia và không thạch cao. Chính vì vậy, đây là cơ sở luôn được người tiêu dùng tìm đến để mua và cung cấp rộng rãi tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP. Vinh.
Chị Võ Thị Hiền chia sẻ: “Để đảm bảo sản xuất đậu phụ sạch, các công đoạn làm đậu phụ đều được thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ. Đậu nành phải được chọn là loại đậu có chất lượng cao và thực hiện đúng các công đoạn: Xay đậu, vắt lấy nước, nấu đậu, đổ khuôn và dỡ khuôn. Đặc biệt nước dùng để sản xuất ra đậu sạch là loại nước máy, tuy nhiên phải qua một bể lọc nữa mới đưa vào sử dụng”.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất đậu phụ của gia đình chị Hiền cung cấp cho thị trường gần 80kg đậu phụ với thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cơ sở sản xuất đậu phụ của chị còn giải quyết việc làm ổn định cho 2 lao động tại địa phương; là địa điểm tin cậy, cung cấp thực phẩm sạch trong các bữa ăn hàng ngày của người dân trên địa bàn TP. Vinh.
Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Kim An ở phường Hưng Dũng – TP. Vinh với diện tích vẻn vẹn 100m2 bà đã quyết tâm xây dựng mô hình trồng nấm sò sạch tại gia. Để xây dựng được mô hình trồng nấm sạch này, bà An đã tìm hiểu thông tin kỹ thuật, cách chăm sóc qua báo, đài và tham quan một số mô hình hiệu quả ở các tỉnh lân cận. Tận dụng nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên từ rơm rạ, mùn cưa, bà đã tự trồng và sản xuất nấm sò sạch ngay tại nhà. Đặc biệt, bà đã cất công ra Viện Di truyền nông nghiệp để mua giống đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn.
“Trồng nấm sò rất ít vốn, nhưng để loại nấm sò này phát triển tốt thì khâu chăm sóc rất quan trọng. Trước hết, rơm rạ hoặc bông tự nhiên phải được làm ướt bằng nước vôi rồi vớt ra để ráo nước trên kệ. Sau đó ủ rơm rạ hoặc bông bằng cách kê kệ ủ sao cho vuông vắn, có cọc ở giữa để thoát hơi, rải từng lớp rơm rạ lên kệ ủ rồi dẫm nhẹ. Cuối cùng là lấy nilon bọc xung quay đống ủ để giữ nhiệt và gieo giống. Đặc biệt, khuyến khích sử dụng phương pháp tưới phun sương thường xuyên để đảm bảo độ ẩm 85%. Ngoài ra, mặt bằng để kệ lúc nào cũng phải rải vôi để không có vi trùng hoặc các loại nấm khác chen vào…” bà An chia sẻ.
Trung bình mỗi năm, bà An thu hoạch 3 vụ nấm sò và nấm rơm, mỗi ngày bà hái khoảng 10kg để phục vụ người dân trên địa bàn phường Hưng Dũng hoặc bán cho thương lái đặt mua từ các địa phương với giá 30 ngàn đồng/kg. Từ nhiều năm nay, gia đình bà An đã trở thành địa chỉ cung cấp nấm sò an toàn cho người dân trên địa bàn phường Hưng Dũng, TP. Vinh và các vùng phụ cận. Loại nấm sò tươi ngon, giàu thành phần dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm này đã trở thành một thực phẩm rất ưa chuộng đối với người tiêu dùng. Hiện nay, bà An cũng đã cung cấp giống, truyền đạt kỹ thuật trồng cho 3 gia đình trên địa bàn phường Hưng Dũng với hy vọng nhân rộng mô hình này.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Vinh cho biết: Qua nhiều chương trình vận động, tuyên truyền, phần lớn phụ nữ trên địa bàn thành phố đều đã ý thức được tác hại của việc sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Từ đó, nhiều chị em đã tích cực xây dựng các mô hình tự chế biến thực phẩm sạch để phục vụ gia đình và mọi người xung quanh. Các sản phẩm sạch do chị em tự chế biến, sản xuất rất đa dạng, từ rau củ quả, thịt cá, bún, đậu, nước mắm đến các mặt hàng khô.
Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Vinh sẽ tích cực khuyến khích phụ nữ ở các phường, xã thường xuyên mở các gian hàng giới thiệu và quảng bá các thực phẩm sạch trên địa bàn, giới thiệu thực phẩm sạch đến người tiêu dùng và quan trọng hơn là làm thay đổi nhận thức, hành vi của các hội viên về đảm bảo thực phẩm an toàn./.