Ớt chín đỏ trên cây nhưng doanh nghiệp không đến thu mua nên người dân phải phá bỏ |
Được mùa vẫn khó
Năm 2014, xã Hoa Sơn (huyện Anh Sơn) thông báo chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng ớt. Ông Nguyễn Văn Minh (xóm 5) dồn tiền đầu tư trồng 3 sào, sau 3 tháng ruộng ớt cho thu nhập gần 10 triệu đồng/sào, cao gấp 3 - 4 lần so với các loại cây trồng ngắn ngày khác trên cùng diện tích. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài. “Năm 2015, gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 3 sào ớt nhưng gần 1 tháng nay doanh nghiệp họ không mua, giờ không biết làm sao?” - ông Minh lo lắng. Không chỉ ông Minh mà hàng trăm hộ trồng ớt xã Hoa Sơn cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Theo chị Nguyễn Thị Mến - xóm trưởng xóm 4, xã Hoa Sơn, hiện ớt đã đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp không thu mua nên người dân đang rất lo lắng. Nhiều hộ đã bứt về phơi, có hộ thì phá dỡ để trồng cây khác như ngô, mía….
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn – cho biết: Năm 2014, xã ký kết bao tiêu sản phẩm với một công ty xuất khẩu nông - lâm sản ở Thanh Hóa, có 122 hộ triển khai trồng ớt với gần diện tích 12 hecta. Năm nay, dự tính nông dân trên địa bàn xã có thể thu hoạch đến 360 tấn ớt, nhưng do công ty ngừng thu mua đã làm cho nhiều hộ nông dân điêu đứng. Được biết, không chỉ xã Hoa Sơn mà trên địa bàn huyện Anh Sơn còn có nhiều xã khác như Tường Sơn, Long Sơn, Đức Sơn, Hội Sơn và Vĩnh Sơn cũng chuyển đổi trồng cây ớt cay trong mùa vụ năm 2015 - 2016 cùng chung cảnh ngộ.
Cần “3 nhà” vào cuộc
Huyện đã ký kết hợp đồng nhưng tại sao doanh nghiệp lại tự ý dừng mua ớt của dân, trách nhiệm thuộc về ai? Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Đình Đăng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn – cho biết: Huyện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từng năm một theo mùa vụ, vụ vừa qua là vừa hết hạn ký kết; đồng thời do thời tiết, sản phẩm kém chất lượng và doanh nghiệp khó khăn nên họ không thu mua. Sau đó huyện đã tìm các đối tác khác để dân tiêu thụ và hiện cơ bản phần lớn người dân đã bán được ớt. “Sau sự việc này, huyện đang tiếp tục làm việc với công ty ở Thanh Hóa để họ trả hết nợ cho người dân. Mặt khác, huyện cũng đang tìm doanh nghiệp khác có thế mạnh, bền vững để có thể bao tiêu sản phẩm về lâu dài cho người dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng” - ông Đăng nói.
Ông Doãn Trí Tuệ - Chủ tịch Hội giống cây trồng Nghệ An - cho rằng, sở dĩ những thương vụ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm bị “đứt gánh giữa đường” là vì các liên kết ấy đang rất bấp bênh. Phải thừa nhận, bà con nông dân không tìm hiểu kỹ các doanh nghiệp về năng lực tài chính, năng lực kinh doanh, có cơ sở để liên kết bao tiêu sản phẩm hay chỉ là trung gian. Vì thế khi ký hợp đồng, được mùa thì doanh nghiệp ép giá để mua rẻ và mất mùa, giá lên cao thì nông dân đề nghị giá cao dẫn tới mâu thuẫn và phá vỡ hợp đồng. Nói liên kết bốn nhà nhưng khi bị vỡ thì không ai can thiệp nên không giải quyết được và chịu thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân. “Lẽ ra vai trò nhà nước là trung gian để giải quyết những vướng mắc giữa doanh nghiệp và nông dân khi hợp đồng đổ vỡ hoặc tranh cãi nhưng nông dân vẫn phải tự bơi” - ông Doãn Trí Tuệ nhấn mạnh.