Quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu
Hàng giả, hàng kém chất lượng: Đa chủng loại
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình phức tạp, có các tuyến giao thông đường sắt, đường bộ, đường hàng không đi qua, thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là “địa lợi” cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gây nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng chức năng. Trong năm 2014, Ban Chỉ đạo 389 Nghệ An đã kiểm tra: 10.317 vụ, xử lý: 7.664 vụ; giá trị nộp ngân sách nhà nước và hàng tiêu hủy: 226,2 tỷ đồng. Riêng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) năm 2014 đã kiểm tra: 8.932 vụ; xử lý: 6.557 vụ; giá trị thu phạt: 10.5 tỷ đồng.
Do lợi nhuận kinh tế cao, việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra hàng ngày và ngày càng tinh vi, với nhiều chủng loại. Tiêu biểu như: Ngày 27/2/2014, đội QLTT cơ động phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ điện Hoàng Hải (đường Lê Huân, TP.Vinh) phát hiện lô hàng 1.085 ổ cắm điện, 519 aptomat giả nhãn hiệu Lioa, trị giá 38,1 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt hành chính 32 triệu đồng. Ngày 16/7, Đội QLTT số 2, kiểm tra cửa hàng kinh doanh của bà Phùng Thị Khẩn (phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò) phát hiện 224 gói mỳ chính loại 350g và 500g giả các nhãn hiệu nổi tiếng. Mới đây nhất, ngày 9/12, Đội QLTT cơ động (Chi cục QLTT Nghệ An) kiểm tra xe hàng của anh Tô Bá Thắng (TP.Vinh) phát hiện một lô hàng là ke chống bão giả kiểu dáng công nghiệp, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ…
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chi cục phó Chi cục QLTT Nghệ An: Các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động rất tinh vi, khép kín; luôn tìm mọi sơ hở của pháp luật để lách luật, sẵn sàng mua chuộc, đối phó và chống đối quyết liệt với lực lượng chức năng khi bị phát hiện. |
Chị Nguyễn Thị Hà (phường Lê Mao, TP.Vinh) - chia sẻ: Người nội trợ quan tâm nhất là các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc, như dầu ăn, mỳ chính, bột giặt, dầu tắm, gội… Nhưng bây giờ cái gì cũng làm giả, rất khó phân biệt thật - giả.
Kiểm soát thị trường: Nhiệm vụ thường xuyên
Hiện nay, công nghệ làm giả hàng hóa ngày càng tinh, với nhiều thủ đoạn, từ việc in ấn bao bì, cho đến kiểu dáng sản phẩm, thậm chí tem chống hàng giả còn làm được, nên việc đánh lừa người tiêu dùng không khó. Điều đáng nói, việc làm hàng giả, hàng kém chất lượng không dừng lại ở các hộ cá nhân, gia đình mà còn được tiến hành ở các xưởng sản xuất lớn. Vào dịp gần Tết, hàng hóa về nhiều, điểm tập kết hàng hóa khắp nơi, nên cũng gây khó khăn không nhỏ cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý, trong khi máy móc để kiểm tra, soi chiếu còn nhiều hạn chế.
Để làm tốt công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả và hàng kém chất lượng, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 6062/QĐ-UBND về quy chế, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan. Cục QLTT đã có công văn chỉ đạo các chi cục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp trước, trong và sau Tết Ất Mùi 2015.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, các lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, xác định đây là việc làm thường xuyên. Bên cạnh đó, các hiệp hội, doanh nghiệp chân chính cần cung cấp thông tin hỗ trợ các lực lượng trong việc phòng chống hàng giả; người tiêu dùng cần tỉnh táo, thông thái, không mua những hàng hóa không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.