Nghị định 52/2021/NĐ-CP: Để chính sách thực sự là trợ lực cho doanh nghiệp
“Phao cứu sinh” cho DN
Theo Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuế đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
Các chính sách hỗ trợ sẽ là liều thuốc "hồi sức" cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 |
Tại Tọa đàm trực tuyến “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia hạn nộp thuế, thuê đất” mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế - cho biết, chính sách gia hạn nộp thuế không làm giảm thu ngân sách Nhà nước và phù hợp thẩm quyền của Chính phủ mà Luật Quản lý thuế đã quy định (việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định). Nguyên tắc lựa chọn đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cần bảo đảm: Đối tượng thụ hưởng chính sách phải là những DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19.
Theo đại diện Bộ Tài chính, để được gian hạn, người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm, thực hiện nộp 1 lần duy nhất Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế. Hiện nay, thủ tục này đã được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế để tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Trước đó, ngày 8/4/2020, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất và trước nữa là Nghị định 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Triển khai thực hiện 2 nghị định này, trong năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn cho khoảng 184.900 lượt người nộp thuế với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã gia hạn khoảng 87.300 tỷ đồng.
Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, vì vậy, ngay sau khi ban hành Nghị định số 52, cộng đồng DN đều bày tỏ là đáp ứng mong mỏi, là liều thuốc trợ lực quý báu để họ vượt khó, tiếp tục phát triển. Bởi, tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến DN gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính.
Với ý nghĩa đó, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhìn nhận, chính sách có những tác động rất lớn đến DN trong đại dịch, bởi đây sẽ là trợ lực để DN có thêm nguồn vốn, giảm chi phí vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - ông Tô Hoài Nam - cho rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ khác, Nghị định 52 có ý nghĩa rất lớn với DN, nhất là cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ đang hết sức bấp bênh do đại dịch gây ra.
Theo ông Tô Hoài Nam, Nghị định 52 có đối tượng áp dụng rộng rãi, không chỉ DN bị tác động nặng nề của Covid-19 như dịch vụ bán lẻ, logistics, du lịch mà kể cả những DN bị tác động ít hơn như khai khoáng... cũng được thụ hưởng. “Đây là điều khá đặc biệt, thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt giữa các loại hình kinh doanh khác nhau trên thị trường, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm, chia sẻ và đồng hành với cộng đồng DN từ phía Chính phủ” - ông Nam nói.
Lắng nghe DN nhiều hơn
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách đề ra chủ trương, mục tiêu là rất tích cực, rất tốt nhưng cái đích cuối cùng là hiệu quả và đối tượng thụ hưởng tiếp cận chính sách mới là điều quan trọng. Nếu để tình trạng vướng mắc về thủ tục, triển khai chậm, hoặc cán bộ thực thi gây khó dễ cho DN, có thể khiến các DN bị lỡ thời cơ tận dụng nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho hay, khảo sát của cộng đồng DN cho thấy, hoãn và giãn thuế là chính sách DN ưa thích nhất, việc tiếp cận cũng thuận lợi, dễ dàng hơn so với miễn, giảm thuế phức tạp về mặt thủ tục. Nghị định 52 đề cập gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, đã thể hiện cách xử lý vấn đề mang tính thực tiễn của Chính phủ.
Tuy nhiên, trên thực tế, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác, đến nay việc triển khai còn một số bất cập, gây khó khăn cho đối tượng thụ hưởng. Ông Phan Đức Hiếu - chỉ rõ, DN đang cần luồng tiền để cầm cự, tuy nhiên quy định thời hạn giãn, hoãn theo thời điểm lại khiến DN phải tính toán rất kỹ, bởi nếu không đến kỳ hạn nộp thuế trùng với nhiều khoản phải chi khác trong khi hoạt động kinh doanh vẫn đình trệ sẽ dẫn tới khó chồng khó cho DN. Mặt khác, “một số quy định về hoãn nộp thuế VAT, song thực tế DN không thực hiện giao dịch thương mại, không có thu nhập nên một khía cạnh nào đó Nghị định 52 vẫn chưa thể phát huy hiệu quả là liều thuốc trợ lực cho DN”- ông Hiếu chi ra.
So với các chính sách nói chung, chính sách hỗ trợ có đặc thù riêng biệt, vì vậy, để tháo điểm nghẽn về hỗ trợ, ông Tô Hoài Nam - cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ có cơ chế áp dụng chính sách đột phá cho khu vực DN vừa và nhỏ, trong đó làm sao để DN được lựa chọn nộp thuế thu nhập; miễn giảm bãi bỏ các thủ tục dựa trên nguyên tắc đăng ký hoạt động của DN. “Một số quy định từ Nghị định 52 cần điều chỉnh sát với thực tế hơn, như kéo dài thời gian kê khai thuế của DN để phát huy ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ với DN trong tình hình khó khăn hiện nay”- ông Nam đề xuất.
Đặc biệt, theo ông Tô Hoài Nam, để thực hiện phương châm của Chính phủ là “nghĩ thật, nói thật” các chính sách nói chung khi ban hành cần nắm được vấn đề cụ thể về thực trạng của DN thì quá trình triển khai mới hiệu quả. Theo đó, cơ quan thực hiện chính sách cần lắng nghe, quan tâm nhiều hơn đến tiếng nói, quan điểm, đề xuất của DN. “Ngoài ra, để chính sách đi nhanh vào cuộc sống, các cơ quan quản lý liên quan cần nhanh chóng hướng dẫn cho DN, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN bằng cách giảm thiểu các thủ tục hành chính, hạn chế thanh kiểm tra, trừ những trường hợp có vụ việc nổi cộm để DN có thể ổn định tâm lý, dồn toàn bộ thời gian, công sức cho hoạt động tốt hơn”- ông Nam đề xuất.
“Mục tiêu của chính sách là tích cực, nhưng đạt hiệu quả cuối cùng mới là điều quan trọng”- ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh. Trên tinh thần này, ông Hiếu - khuyến nghị, cơ quan quản lý cần xác định mục tiêu hỗ trợ khi triển khai chính sách; phát huy vai trò của các hiệp hội, tổ chức của DN để giảm thiếu rủi ro pháp lý khi DN thực hiện các quy định hỗ trợ. Cơ quan thuế, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành các quy định thiết thực hơn nữa, sát với đờ sống DN hơn. Như, có nên giảm hẳn, miễn hẳn thuế VAT cho DN kinh doanh, nhập khẩu các thiết bị về phòng chống dịch? Qua đây chính sách sẽ vừa hỗ trợ DN vượt khó, vừa tăng hiệu quả phòng chống dịch của Chính phủ.
Trước các đề xuất, kiến nghị tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách, bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho biết, cơ quan thuế sẽ tổng hợp, trình lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét để sớm có những giải pháp phù hợp; đồng thời, cơ quan thuế sẽ thúc đẩy tuyên truyền sâu hơn về chính sách tới cộng đồng DN và người dân nhằm đưa Nghị định 52 đi vào cuộc sống.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).