Nghị định số 52/2013/NĐ-CP: Định hướng, tạo môi trường cho thương mại điện tử phát triển
Tin hoạt động 14/09/2018 15:55
Nghị định 52 - Bước tiến trong quản lý kinh doanh TMĐT
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết: Nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản trụ cột trong hệ thống pháp luật về TMĐT của Việt Nam, đánh dấu sự đổi mới về quan điểm quản lý nhà nước đối với một hình thức kinh doanh hiện đại. Thực tiễn cho thấy việc ban hành Nghị định là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước, góp phần tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động TMĐT, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, đồng thời thúc đẩy TMĐT phát triển, nâng cao sức cạnh tranh cho DN.
Theo bà Hà, TMĐT Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây. Hạ tầng pháp luật và cơ chế chính sách về TMĐT đã có vai trò rất tích cực trong việc tạo dựng môi trường cho sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam.
Thống kê những năm qua cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng ổn định, xu hướng tăng dần đều trên 20%/năm, từ 2,2 tỷ USD năm 2013 đến 6,2 tỷ USD năm 2017, TMĐT đã trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Thực hiện quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, từ năm 2013 Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký/thông báo website TMĐT qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (www.online.gov.vn). Số lượng DN và cá nhân thực hiện thủ tục thông báo/đăng ký tăng nhanh trong giai đoạn 2013 – 2017, cụ thể: từ 1.923 tài khoản DN năm 2013 lên 26.622 tài khoản năm 2017 (tăng 13,8 lần); từ 305 tài khoản cá nhân năm 2013 lên đến 9.193 năm 2017 (tăng 30,1 lần); từ 344 hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT năm 2013 lên 3.449 hồ sơ năm 2017 (tăng 10 lần); từ 518 hồ sơ thông báo website TMĐT bán hàng lên đến 35199 hồ sơ năm 2017 (tăng 67,9 lần).
Số liệu thống kê từ Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cho thấy, đến năm 2017, số lượng website TMĐT bán hàng được xác nhận thông báo là 18.783 website, tăng 29 lần so với năm 2013; trong khi đó, số lượng website cung cấp dịch vụ TMĐT được xác nhận đăng ký năm 2017 là 914 website, tăng 5,8 lần so với năm 2013.
Việc thực hiện thông báo, đăng ký website/ứng dụng TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân đối với Bộ Công Thương là bước quan trọng trong việc minh bạch hóa thông tin, hỗ trợ công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác bảo vệ người tiêu dùng trong giải quyết tranh chấp khi các giao dịch có các vấn đề xảy ra. Hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên mạng phải được cung cấp những thông tin cơ bản để khách hàng có thể xác định chính xác đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu lầm khi quyết định việc thực hiện giao dịch; đối với thông tin về người sở hữu website/ứng dụng TMĐT, các thông tin tối thiểu cũng phải được công bố công khai trên giao diện của website/ứng dụng TMĐT.
Thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ảnh của các tổ chức, cá nhân về các trường hợp vi phạm liên quan đến TMĐT, đây cũng là địa chỉ các thông tin cảnh báo được đăng tải đến người tiêu dùng. Ví dụ, trường hợp xử lý vi phạm trong tháng 8/2018 đối với việc một số website TMĐT đăng bán các sản phẩm đồ chơi trẻ em có sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Trong thời gian ngắn, Bộ Công Thương đã thông tin tới tất cả các sàn giao dịch TMĐT lớn để yêu cầu kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng TMĐT các sản phẩm đồ chơi, ấn phẩm có sử dụng bản đồ nêu trên (nếu có), đối với các sàn giao dịch TMĐT, triển khai các biện pháp kỹ thuật/bộ lọc, nhân sự kiểm duyệt... nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm và các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác trên website và ứng dụng TMĐT theo quy định. Kết quả, cùng với việc tháo gỡ các mặt hàng vi phạm pháp luật trên các website, ứng dụng TMĐT, thông qua dữ liệu trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, cơ quan quản lý chức năng đã nhanh chóng xác minh được đối tượng vi phạm, đồng thời kiểm tra, lập biên bản và thu giữ nhiều thùng hàng của đối tượng này.
Liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TMĐT. Trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều trường hợp vi phạm hành chính trong TMĐT, xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến hàng giả hàng nhái trên môi trường mạng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Cần bổ sung hình thức TMĐT xuyên biên giới vào quản lý
Mặc dù hành lang pháp lý về TMĐT đã được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu về quản lý TMĐT ở thời điểm đó, nhưng sự phát triển của thị trường TMĐT trong giai đoạn tới được dự đoán còn đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Các mô hình hình hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia TMĐT không chỉ còn giới hạn ở 02 mô hình TMĐT phổ biến là website TMĐT và website cung cấp dịch vụ TMĐT. Tình hình vi phạm trong TMĐT cũng diễn biến ngày càng phức tạp, xu hướng ngày càng tinh vi về cả quy mô và mức độ. Các vụ tranh chấp về TMĐT có xu hướng gia tăng, chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến thông tin cá nhân; hình thức giao kết hợp đồng; các hành vi lừa đảo mà phổ biến là các giao dịch hàng hóa, dịch vụ không đúng như mô tả, không đúng chất lượng hoặc hàng giả, hàng nhái.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam kiến nghị: Nghị định 52 đến nay có nhiều yếu tố cần bổ sung, cần có quy định về hệ sinh thái TMĐT trong mua bán, giao nhận, thanh toán... Ngoài ra, để thúc đẩy TMĐT phát triển cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cần có cơ chế phát triển mô hình giao dịch xuyên biên giới, tham gia của DN Việt Nam tham gia vào các sàn TMĐT quốc tế. Còn theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT, cần có sự phối hợp với các Bộ ngành, chuyển phát, logistics, ngân hàng...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động TMĐT là lĩnh vực đang chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành; vấn đề về quản lý TMĐT xuyên biên giới, vấn đề về quản lý thuế trong TMĐT và nhiều vấn đề mới khác sẽ là bài toán mà cơ quan quản lý cần tập trung giải quyết trong giai đoạn tới.
Cụ thể, theo đề xuất của Cục TMĐT và Kinh tế số, trong thời gian tới có thể xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 52/2013/NĐ-CP để khắc phục các vướng mắc, bất cập nêu trên. Đồng thời hoàn thiện Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT đáp ứng yêu cầu quan lý nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế.